Sáng nay (19/2), giá vàng SJC giao dịch quanh ngưỡng 45,50 triệu đồng, đắt hơn 4,9 triệu đồng mỗi lượng so với giá vàng thế giới.
Mở cửa ngày vía Thần Tài, Tập đoàn DOJI báo giá thu gom vàng miếng SJC tăng 520.000 đồng so với sáng qua, lên mức 45,40 triệu đồng, còn bán ra chỉ tăng 380.000 đồng. Sự điều chỉnh không tương xứng này giúp biên độ mua bán thu hẹp đáng kể còn 100.000 đồng so với 240.000 đồng của ngày hôm qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá bán vàng miếng SJC lúc 9h10 quanh 45,62 triệu đồng, và mua vàng từ khách là 45,48 triệu đồng mỗi lượng. Riêng vàng thương hiệu PNJ hiện có giá thu gom thấp hơn SJC tới 210.000 đồng, còn bán ra rẻ hơn 50.000 đồng, dao động quanh 45,27-45,57 triệu đồng.
Giá vàng SJC sáng nay tại thị trường Tp.HCM theo niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 45,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 45,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý cùng thời điểm mua vào vàng SJC ở mức 45,37 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 45,51 triệu đồng/lượng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Vàng đã tăng giá liên tục kể từ khi thị trường mở cửa tới lúc 9h. Vào lúc 9h sáng, giá vàng SJC đã cao hơn 250.000 đồng/lượng so với đầu ngày.
Sau đó, giá vàng quay đầu giảm dần. Đến gần 10h, giá vàng SJC tại Tp.HCM theo niêm yết của Công ty SJC còn 45,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 45,45 triệu đồng/lượng (bán ra), hạ 100.000 đồng/lượng so với lúc 9h. Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý giảm còn 45,23 triệu đồng/lượng và 45,37 triệu đồng/lượng.
Như vậy, sau hai ngày khai Xuân Quý Tị, giá vàng SJC trong nước đã mở rộng mức chênh lệch so với vàng thế giới lên đến 4,9 triệu đồng/lượng (tăng 500.000 đồng/lượng so với hôm qua).
Giá vàng thế giới đang nỗ lực nhích lên, nhưng bị cản trở bởi đồng USD mạnh. Tỷ giá đồng bạc xanh sáng nay đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng so với một rổ các đồng tiền chủ chốt khác.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia tìm cách làm đồng nội tệ của nước mình giảm giá để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đang diễn ra một cuộc tranh luận về liệu có đang tồn tại nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ. Hôm qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm qua đã có những phát biểu nhằm giảm nhiệt cuộc tranh luận này, nhưng nói rằng, ECB vẫn sẽ phải đánh giá tác động kinh tế từ sự lên giá của đồng Euro so với các đồng tiền mạnh khác.
Ngày mai, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách định kỳ gần nhất. Giới đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ biên bản này để xác định thái độ của FED đối với chính sách tiền tệ nới lỏng, nhân tố chủ chốt phía sau sự tăng giá của vàng trong những năm gần đây.