Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đại diện cho 270 DN trong ngành có kiến nghị lên Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan về thiệt hại sau sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung. Theo đó, sự cố này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản của ngư dân, DN cũng như tạo sức ép ngày càng lớn từ thị trường nhập khẩu.
Cụ thể, VASEP cho biết, hiện tại tình trạng các nhà máy chế biến bị thiếu nguyên liệu sản xuất là rất phổ biến. Nhiều nhà máy phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất với công suất rất thấp để duy trì và giữ chân công nhân. Nếu tình trạng thiếu nguyên liệu tiếp tục kéo dài, nguy cơ nhà máy phải đóng cửa là rất lớn. "Không những vậy, khách hàng quốc tế đang tỏ ra quan ngại về tình trạng nhiễm kim loại nặng vào nguyên liệu và sản phẩm. Vì vậy nhiều đối tác đã hủy hợp đồng không mua thủy sản với các DN có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền trung. Do vậy, các DN đã bị thiệt hại rất lớn", VASEP khẳng định. Không chỉ nước ngoài mà ngay ở thị trường nội địa, người tiêu dùng trên cả nước đang có tâm lý hoang mang, lo lắng nên không mua sản phẩm thủy sản ở miền Trung. Vì vậy các DN và ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm, toàn bộ hàng nội địa phải bảo quản lâu ngày ở kho. Từ đó, DN lại phải chịu thêm nhiều chi phí như tiền điện, kho bãi... Tính tới hiện tại, sản lượng thu mua của DN thủy sản đã giảm đến 60% so với cùng kỳ năm 2015. Thiệt hại về tài chính đối với các DN cũng đang ở mức cao, tiêu biểu như Công ty Nam Hà Tĩnh (Shatico) ở Kỳ Anh đã "âm" khoảng 8,256 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2016. Nhằm có giải pháp để giải cứu ngành thủy sản, VASEP đề nghị Chính phủ cùng các Bộ, Ngành có liên quan đưa ra những chính sách hỗ trợ cho người dân, DN phải chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu để DN duy trì sản xuất cũng như đẩy mạnh truyền thông để lấy lại sự tin tưởng của đối tác nước ngoài vào thủy sản của Việt Nam.
VASEP: Nhiều DN thủy sản đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản |