Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vật dụng chứa nhiều vi khuẩn nhất trong nhà mà không ai ngờ tới

Lan Anh (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiền, tay nắm cửa, bàn phím máy tính, điện thoại, remote tivi... là những khu vực chứa nhiều vi khuẩn, virus nhất. Chúng có thể nguy hiểm cho bất kỳ ai có hệ miễn dịch yếu, dễ ốm.

Khăn lau bếp

Khăn lau bếp là vật dụng quen thuộc, không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhiều gia đình có thường sử dụng khăn lau bếp đến khi rách, bẩn đen mới thay mới. Nhiều nghiên cứu cho thấy, một chiếc khăn lau bếp nhỏ chứa rất nhiều vi khuẩn có hại như vi khuẩn E.Coli, Candida Albicans… gây hại cho sức khỏe. Đây thực sự là “ổ vi khuẩn” nếu không được vệ sinh đúng cách.

Để loại bỏ vi khuẩn, cách tốt nhất là bạn ngâm khăn trong nước tẩy trùng trong 15 phút, sau đó giặt khăn với xà bông và đem đi phơi nắng để tiêu diệt vi khuẩn. Thay khăn mỗi tháng một lần. Ngoài ra, nên sử dụng khăn chuyên dụng để lau các đồ vật khác nhau.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Tay nắm cửa

Theo nghiên cứu trên tập san khoa học Applied and Environment Microbiology (Mỹ) cho thấy, tay nắm cửa nhìn sạch sẽ ấy lại là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn nhất trong nhà bạn – bẩn gấp 44 lần so với bồn cầu. 

Lời khuyên dành cho mọi người là hãy thường xuyên rửa tay và giữ khô ráo. Đồng thời cần lau rửa nắm cửa thường xuyên để đảm bảo nó luôn sạch sẽ, không cho vi khuẩn có cơ hội tấn công gia đình bạn. Càng nhiều người chạm vào thì tay nắm cửa càng bẩn, cho nên cần phải hết sức lưu ý.

Bàn chải đánh răng, khăn tắm

Bàn chải đánh răng, khăn tắm dễ dẫn đến nấm mốc và vi khuẩn do đặt trong phòng tắm ẩm ướt hoặc để ẩm ướt lâu ngày. Do đó, chúng ta hãy thay đổi bàn chải đánh răng và khăn tắm thường xuyên.

Thảm cửa

Ngay khi bước vào cửa, đây quả thực là nơi bạn dễ bỏ qua nhất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 96% đế giày có chứa mầm bệnh như Escherichia coli, do đó nên khử trùng mỗi tuần một lần, khi thay giày không nên để thức ăn, ba lô lên miếng lót chân.

Vách ngăn tủ lạnh

Các gia đình thường nói rằng bề mặt của tủ lạnh rất sạch sẽ nhưng vách ngăn lại thường bị bỏ qua. Một cuộc khảo sát của Đại học Arizona với 160 hộ gia đình cho thấy tỷ lệ phát hiện nấm mốc trong vách ngăn tủ lạnh là 83%, do đó, nên cọ rửa bằng dung dịch tẩy pha loãng hoặc chất khử trùng mỗi tuần một lần.

Bàn phím, chuột, điện thoại di động

Rất nhiều mảnh vụn thức ăn, mồ hôi, dầu mỡ, bụi... sẽ tích tụ trên điện thoại di động, bàn phím và chuột. Vì vậy, hãy nhớ lau các đồ dùng này bằng cồn 2 - 3 ngày/lần.

Thớt

Một số nghiên cứu cho thấy lượng vi khuẩn ở thớt nhiều gấp 200 lần vi khuẩn trên bệ toilet. Bạn cần trang bị 2 chiếc thớt trong nhà, một chiếc để chặt, thái đồ sống và chiếc khác dành cho đồ chín. Cần cọ rửa kỹ và làm khô thớt sau khi rửa. Đối với thớt thái thực phẩm nấu chín, rau củ ăn sống... bạn có thể tẩy sạch bằng nước chanh hoặc hơ thớt trên bếp gas nóng để tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại.

Thùng rác nhà bếp, bồn rửa bát

Các lỗ lọc của thùng rác nhà bếp và bồn rửa bát là một trong những nơi sinh sôi phổ biến của vi khuẩn, vì hai nơi này sẽ tích tụ rất nhiều cặn thức ăn nên cũng cần được vệ sinh thường xuyên.

Tiền

Tiền là kẻ truyền bệnh "ngọt ngào" nhất. Trao tay qua nhiều người, từ người bán thịt, cá cho đến chủ cửa hàng rau củ… chúng ẩn chứa hàng loạt vi khuẩn gây mụn trứng cá, tả, thương hàn… Trong các loại tiền, tiền giấy là bẩn nhất do đặc tính thấm hút và lưu giữ vi khuẩn cao. Tiền polyme chứa ít vi khuẩn hơn vì không thấm nước. Những người thường xuyên đếm tiền như nhân viên ngân hàng, chủ kinh doanh, thu ngân... nên thường xuyên rửa tay sạch bằng các chất tẩy rửa an toàn. Đồng thời, hạn chế thói quen vừa đếm tiền, vừa đưa tay lên miệng.