Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vật liệu lát vỉa hè xuống cấp: Bộc lộ nhiều bất cập

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian vừa qua, dư luận lại nóng về hiện tượng vật liệu lát vỉa hè, trong đó có đá tự nhiên tại nhiều tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng gây lãng phí ngân sách, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như việc di chuyển của người dân.

Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, hiện tượng xuống cấp là có nhưng chưa đến mức nghiêm trọng như phản ánh, đặc biệt là ở những khu vực lát vỉa hè bằng đá tự nhiên.
Cần phân định rõ thế nào là đá tự nhiên

Bắt đầu từ năm 2018, nhằm chỉnh trang hè, phố, TP Hà Nội đã quyết định từng bước chuyển những vật liệu lát vỉa hè truyền thống như Terrazzo, gạch con sâu, chữ I, gạch lá phong (gạch chữ Y)… sang đá tự nhiên. Cũng từ đây, hàng loạt ý kiến, từ đồng thuận đến trái chiều đã được đưa ra. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người vẫn còn chưa phân định được đâu là đá tự nhiên, gach giả đá, nhất là đối với những công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, dẫn đến nhiều ý kiến có phần “hàm oan” cho đá tự nhiên.

Theo tìm hiểu và khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, những luồng thông tin được phản ánh trong suốt thời gian qua về tình trạng xuống cấp của vỉa hè, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP như Trần Duy Hưng, Trung Kính… đã được đề cập đến như một điển hình cho thông tin “đá tự nhiên được quảng cáo có độ bền 50 – 70 năm, nhưng đã xuống cấp sau 2 - 3 năm” là chưa chính xác.
 Vỉa hè trên đường Giải Phóng bị biến thành nơi dừng đỗ ô tô. Ảnh: Công Trình
Theo đại diện chính quyền địa phương cũng như các chuyên gia, vật liệu được sử dụng để lát vỉa hè trên các tuyến đường này là gạch giả đá (gạch có vân đá) chứ không phải đá tự nhiên. Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy Đỗ Đức Hồng Quang khẳng định, vỉa hè trên tuyến do TP thực hiện và vật liệu được sử dụng là gạch giả đá, không phải đá tự nhiên.

Song cũng phải thừa nhận, hiện nay, công tác lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đang tồn tại một số bất cập như loại đá dùng trong bê tông lót nền vỉa hè không thống nhất. Có không ít nơi chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa, cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50 - 70 năm, chưa đồng bộ cải tạo hè với cải tạo, chỉnh trang mặt tiền đô thị để đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan khu vực... gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân.

Chấm dứt các hành vi xâm hại vỉa hè

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đá tự nhiên có độ bền rất lớn, ít chịu những tác động của thời tiết nên khi sử dụng để lát vỉa hè sẽ bền hơn rất nhiều so với các vật liệu truyền thống khác. Song, để đá tự nhiên phát huy được tính bền vững, rất cần sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị chức năng từ quá trình chọn lựa vật liệu, tổ chức thi công và đặc biệt là công tác quản lý sau đầu tư.

PGS. TS Vũ Thị Vinh – chuyên gia Quản lý đô thị cho biết, tại Hà Nội, trước năm 2008 toàn bộ giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè và duy tu, bảo dưỡng trên các tuyến đường có tên, đều được giao cho Sở GTVT quản lý. Đến sau năm 2008 giao cho Sở GTVT quản lý đường, quận quản lý và cấp phép trên hè. Đến giai đoạn 2011 – 2012, lại giao lại cho Sở GTVT quản lý tổng thể lòng đường, vỉa hè những tuyến đường trọng điểm, tuyến đường có nguy cơ ùn tắc cao. Song, ở một góc độ khác, muốn vỉa hè trật tự trước hết phải thống nhất đầu mối quản lý.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa chia sẻ, hiện nay, không ít dự án khi đi vào hoạt động, chính quyền các địa phương thiếu sự giám sát nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, mở xưởng sửa chữa, trông giữ ô tô, thậm chí thường xuyên để xảy ra tình trạng ô tô xe máy vô tư đi lên vỉa hè gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình, mất mỹ quan đô thị. Do đó, nếu muốn dự án lát vỉa hè đem lại hiệu quả lâu dài sau đầu tư, chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, chiếm dụng vỉa hè.

"Chỉ trên một đoạn vỉa hè nhưng lại liên đới quá nhiều đơn vị, Sở Xây dựng, đến Công an phường… nên xảy ra sự chồng chéo, nhiều kẽ hở trong khâu quản lý, tạo điều kiện để các vi phạm phát sinh. Nếu không được xử lý nghiêm sẽ tạo ra những hệ lụy với hạ tầng đô thị, trật tự đô thị, ATGT cũng như tuổi thọ của các dự án, công trình." - PGS.TS Vũ Thị Vinh