Vật liệu xây dựng xanh tiết kiệm năng lượng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong chuỗi sự kiện thuộc Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2020 (được tổ chức từ ngày 9 - 12/12/2020 tại Hà Nội), Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo “Vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng”.

Phát triển vật liệu xây dựng xanh
Theo Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (VLXD) PGS. TS Lê Trung Thành, VLXD xanh có vai trò quan trọng giúp bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Xu hướng phát triển VLXD xanh trên thế giới hiện nay rất tiệm cận với quan điểm phát triển xanh, bền vững của Liên Hợp quốc. Đó là sử dụng ít nhất nguồn tài nguyên có thể, nhưng lại đạt được hiệu quả tối đa. Để đạt được điều đó, các quốc gia cần giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, VLXD xanh cần phải loại bỏ các yếu tố độc hại trong quá trình sản xuất, đồng thời dễ dàng tái chế để làm đầu vào cho vật liệu khác.
Tại Việt Nam, những năm qua, Bộ Xây dựng đã rất tích cực và chủ động tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế, chính sách, nhiêu đề án, chiến lượng, chương trình nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng không nung, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Toàn cảnh Hội thảo.
Nhưng thực tế, quá trình phát triển VLXD xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, do thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực và khoa học công nghệ. Vì vậy, PGS.TS Lê Trung Thành cho rằng, thời gian tới Việt Nam cần chú trọng thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm: tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về vật liệu xây dựng, trong đó chú trọng các chính sách ưu đãi sản xuất và sử dụng vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng cho công trình xây dựng; đổi mới, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm VLXD; tăng thuế môi trường đối với những vật liệu gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất;
“Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp; đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn cao; đào tạo nhân viên kỹ thuật và đội ngũ công nhân lành nghề, có khả năng nắm bắt công nghệ mới, làm chủ dây chuyền sản xuất hiện đại, chủ động trong công tác thiết kế, phát triển sản phẩm mới thân thiện với môi trường; đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh có trình độ, kỹ năng, có khả năng hội nhập quốc tế”  PGS.TS Lê Trung Thành nhìn nhận.
Đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ
Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) TS Nguyễn Quang Hiệp cho biết, hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về sản lượng xi măng và đứng thứ 6 thế giới về sản lượng gạch, gốm ốp lát. Công nghệ sản xuất xi măng, gạch men, sứ vệ sinh, kính xây dựng củaViệt Nam là công nghệ tiên tiến, hiện đại so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Phần lớn các thiết bị công nghệ được nhập khẩu từ châu Âu. Tiêu chuẩn sản phẩm ngang bằng với các nước phát triển (Mỹ, Nhật và các nước châu Âu). Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu một số sản phẩm ra thị trường thế giới.
Riêng VLXD không nung (tính đến năm 2019), có trên 1.600 cơ sở sản xuất, với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 10,2 tỷ viên tiêu chuẩn/năm (chiếm gần 30% tổng công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất vật liệu xây). Chủng loại VLXD không nung phổ biến hiện nay là: gạch bê tông, gạch bê tông khí chưng áp, tấm bê tông khí chưng áp; tấm tường bê tông rỗng đúc sẵn. Sản lượng sản xuất/tiêu thụ thực tế đạt 4,83 tỷ viên quy tiêu chuẩn gạch không nung.
Phát triển VLXD xanh giúp bảo vệ môi trường và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên.
Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1266/2020/Q Đ-TTg, nêu rõ quan điểm của Việt Nam là: phát triển ngành VLXD hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội; tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; sạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD và sản xuất VLXD; phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp VLXD; phân bổ mạng lưới cơ sở sản xuất trên toàn quốc phù hợp với điều kiện về tự nhiên, xã hội của từng vùng miền.
“Ngành công nghiệp sản xuất VLXD cần phấn đấu đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế, hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo” - TS Nguyễn Quang Hiệp cho hay.

Cần thiết phải phát triển công trình xanh

Phát biểu bế mạc Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2020, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Tuần lễ Công trình Xanh tại Việt Nam 2020 là sự kiện lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, với chuỗi các hoạt động, hội thảo chuyên đề, tọa đàm, thăm quan công trình xanh... đã thu hút hơn 1.000 lượt đại biểu từ các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học, các đơn vị tư vấn, thiết kế, các chuyên gia trong nước - quốc tế và doanh nghiệp.
 Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng (ngoài cùng bên trái) trao chứng nhận công trình xanh cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Chuỗi hoạt động của Tuần lễ đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp, sự cần thiết phải phát triển công trình xanh, đồng thời khẳng định sự ủng hộ, khuyến khích và đồng hành của Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành Trung ương, các địa phươngvới cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh. Bên cạnh đó, Tuần lễ cũng giúp các chủ đầu tư, chủ dự án, doanh nghiệpnhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các dự án, công trình theo tiêu chuẩn công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh, hướng đến mục tiêu tăng chất lượng, tiện nghi sử dụng, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường.

“Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2020 cũng là cơ hội để gần 20 doanh nghiệp và tổ chức tham gia triển lãm và trình diễn các giải pháp, dự án về công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, các công nghệ, thiết bị và vật liệu xanh và tiết kiệm năng lượng. Những giải pháp thực tiễn này cũng giúp các đại biểu tham dự có thêm hiểu biết thực tế về công trình xanh” – Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhìn nhận.

Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng

 Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen đã đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong phát triển công trình xanh những năm qua, cùng với đó là sự hợp tác với Bộ Xây dựng và khối tư nhân nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong các công trình cao tầng ở Việt Nam. Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” của Bộ Xây dựng và UNDP đã đưa ra 75 giải pháp được triển khai ở 22 công trình và mang lại tiềm năng tiết kiệm năng lượng từ 25 - 67%, tương đương giảm 11.547 tấn CO2 lượng phát thải khí nhà kính.

Khu vực tư nhân trong lĩnh vực xây dựng là động lực chính thúc đẩy phát triển công trình xanh thông qua tích hợp các yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng trong thiết kế, xây dựng, nghiệm thu và vận hành tòa nhà. Nỗ lực này của ngành Xây dựng chỉ có thể thực hiện được với sự nâng cao năng lực và nhận thức của các chủ công trình, nhà phát triển xây dựng, những người vận hành công trình, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và của các cán bộ nghiệm thu công trình.

“Tin tưởng rằng trong thời gian tới Việt Nam sẽ có thêm nhiều công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm và cả khu đô thị xanh” – bà Caitlin Wiesen cho hay.

Tại lễ bế mạc Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2020, Ban tổ chức đã trao Chứng nhận cho 9 công trình áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng của Dự án EECB, 7 dự án đáp ứng tiêu chí LOTUS Vàng và Bạc, 3 dự án đáp ứng tiêu chí chứng chỉ EDGE. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao giải cuộc thi Sinh viên Kiến trúc Xanh cho với 19 giải cho sinh viên các trường Đại học trong cả nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần