Kinhtedothi - Biết bao cách cai sữa cho con được thực hiện song dù kết quả thế nào, nhiều bà mẹ vẫn buồn lòng, họ lo lắng con sẽ bị ảnh hưởng tâm lý.
Ai cũng biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ nhỏ nhưng không phải là nguồn dinh dưỡng duy nhất. Tới một giai đoạn nào đó, bé sẽ phải đối diện với việc chấm dứt nạp nguồn năng lượng này và chuyển sang một nguồn dinh dưỡng khác phù hợp hơn với sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể.
Cai sữa vì con đã quá tuổi quy định là việc làm mà bà mẹ nào cũng nghĩ tới nhưng để thực hiện thành công công việc này thì đòi hỏi cả một quá trình và khá cam go.
Hàng trăm cách cai sữa cho con
Bé Múp đã 30 tháng tuổi, đây là lần thứ 4 chị Nguyệt Hằng (Định Công, Hà Nội) quyết định phải cai sữa bằng được cho con. Càng ngày chị càng thấm thía câu nói: “Nói thì dễ nhưng làm mới khó”. Bởi không chỉ Múp nghiện ti mẹ mà ngay cả chị cũng thèm cảm giác con bú sữa mẹ.
Chị nhớ lại, khi bé được 18 tháng, nếu như không có vụ bà nội khăng khăng can thiệp thì chắc chị và bé cùng lờ lớ lơ vụ cai sữa. Bà bảo: “Sữa mẹ chỉ tốt nhất trong 6 tháng đầu, còn về sau chỉ như nước chứ làm gì có chất. Con kéo dài tới 1 năm là mẹ thấy đã nhiều chứ đừng nói đến 18 tháng như thế này. Làm vậy là hại con chứ chẳng tốt lành gì đâu".
Thành quả cai sữa lần đầu của chị là bé Múp tụt 2 kg, nhìn con xanh xao, khóc nhè mỗi khi thấy mẹ khiến chị không sao kiềm lòng được.
Ngày nào cũng thế, cứ thấy mẹ đi làm về là bé rúc bằng được vào lòng mẹ và ti ngon lành, hồ hởi. Lần thứ 2 là lúc bé tròn 25 tháng, thế nhưng khi chị chuẩn bị tinh thần rất sẵn sàng rồi thì Múp lại lăn ra ốm, bé nhất quyết không ăn cháo, uống sữa mà bé chỉ ti mẹ. Lần thứ 2 chị lại thất bại nặng nề.
Lần thứ 3 này, khi Múp được 27 tháng, chị nghe lời các cụ dạy cai sữa cho bé bằng phương pháp cổ truyền của nhà chồng chị: “Mình làm y như lời các cụ, vắt sữa mẹ ra cho vào bình rồi giấu dưới gầm giường. Thế nhưng để cả tuần mà bé chưa có biểu hiện chán sữa mẹ”.
Lần này khi Múp được 30 tháng, chị nhận thấy mình không thể lần lữa thêm được nữa, chị bôi dầu gió lên ngực, quả nhiên khi ti được vài giây con nhăn mặt rồi chạy biến, khóc nức nở.
Chị chia sẻ: “Mình cũng xót con nhiều lắm, con thì thèm sữa mẹ, hai bầu sữa mẹ cũng căng lên vì nhiều sữa vậy mà mình không cho con ti”.
Chị mong là con hiểu chị, đâu phải chị không cho con ti vì tiết kiệm hay vì lý do gì, đơn giản vi Múp đã lớn, Múp cần dừng lại món ăn này để bổ sung những món ăn khác phù hợp hơn với sự khỏe mạnh, phát triển của con.
Cũng như trường hợp chị Hằng, chị Quế (Hàng Buồm, Hà Nội) cũng xót con vô cùng. Bé nghiện ti mẹ từ lúc sinh ra cho tới bây giờ là 2,5 tuổi. Bé chẳng cao lớn như những em bé khác, bởi ngoài sữa mẹ, món gì bé cũng chê. Thêm vào đó chị còn chẳng đi đâu được, đi đâu cũng bị bé gọi điện: “Mẹ về với Cún, Cún ti ti cơ”.
Cai sữa cho con, chị cũng khổ tâm lắm, chị cho Cún ngủ với bố nhưng cứ tối đến là Cún khóc nhè. Mà chỉ cần nghe tiếng con khóc là chị lại quáng quàng chạy đến cho ti.
Một lần, chị buộc chỉ vào ti, rồi chỉ vào nói với Cún: “Ti mẹ bị bệnh nhé, Cún thích bị bác sĩ tiêm vào mông không. Không muốn thì không được ti mẹ, không là bị bệnh nhé”. Cún nghe thế, sợ lắm, mắt ngấn lệ bảo mẹ: “Mẹ khỏi nhanh rồi cho Cún ti nhé”.
Chị tâm sự: “Nhìn con thế, mình xót xa lắm”. Ngày nào con cũng chạy ra xem ti mẹ khỏi bệnh chưa. Khi được mấy hôm, bé nhất định “thà bị tiêm còn hơn bị cai sữa”, bé lại bú ngon lành mặc kệ sợi chỉ.
Mấy hôm sau, chị quyết tâm cao độ bằng cách nghe các cụ giã lấy lá lốt đun lên làm nước uống, quả nhiên vừa uống xong đã bị mất sữa. Khi Cún ti không thấy sữa mẹ, bé khóc ngằn ngặt rồi bỏ đi.
Không giống hai trường hợp trên, chị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) buộc phải cai sữa cho bé Tí khi bé mới 1 tuổi vì chị có bầu bé thứ 2. Chị tâm sự: “Mình xót lắm, con lười ăn cháo, ăn đúng sữa mẹ nhưng giờ bụng càng ngày càng nặng nề, mà mình có ăn uống được gì nhiều đâu. Cứ ăn được bao nhiêu là nôn ói, nghén ngẩm suốt ngày, sữa có chất gì đâu mà cho Tí ti”.
Cứ khi nào con đòi ti, chị lại đẩy ra. Ban đầu con khóc suốt nhưng sau thấy thái độ của mẹ, con chỉ buồn mà thôi. Nhưng rồi, nhìn con u uất, buồn rầu suốt, chị đã mệt nay còn kiệt sức hơn.
Cai sữa cho con: không dễ nhưng không khó
Theo chuyên gia tư vấn Hồng Hà, tâm lý buồn rầu, chán nản, day dứt khi thấy con hờn dỗi, khóc lóc do mẹ cãi sữa là chuyện phổ biến của hầu hết các bà mẹ. Nhà tâm lý cho rằng, khi cai sữa cho con, thường tâm lý của người mẹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn là con trẻ. Người mẹ thường xót xa, day dứt, thấy mình có lỗi khi dứt khoát không cho con bú mẹ. Thậm chí có nhiều bà mẹ cảm thấy mình là mẹ tồi khi không biết làm thế nào để giúp con cân bằng cú sốc này, họ không biết rằng họ mới bị sốc hơn trẻ con.
Nhiều bà mẹ còn sợ con sẽ không yêu, không quấn quýt bịn rịn mẹ như trước. Tất cả những tâm lý này khiến phụ huynh trì hoãn lần lữa việc cai sữa con.
Để có thể thực hiện được nhanh chóng quá trình này, cha mẹ cần căn cứ vào tính cách, đặc điểm của mỗi một đứa trẻ để tiến hành sao cho phù hợp.
Cách ly cũng là một việc làm mà nhiều bà mẹ áp dụng, thành công. Nhưng cách ly phải nhẹ nhàng chứ không phải bỗng một ngày con biến mất, làm vậy càng khiến trẻ hoảng sợ, cảm giác bị bỏ rơi. Người mẹ có thể nhờ bà, bố chăm con, gần gũi con nhiều hơn. Mẹ chỉ ở cạnh con khi con đã no bụng, không còn cảm giác đói.
Chọn thời điểm cai sữa cũng vô cùng quan trọng. Người mẹ cần để ý khi nào bé thật khỏe mạnh, có thể ăn tốt những thực phẩm khác, khi sữa mẹ không còn nhiều chất dinh dưỡng như ban đầu. Người mẹ cần giảm dần cữ bú, thay thế bằng những bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng khác.
Biết bao cách cai sữa cho con được thực hiện song dù kết quả thế nào, nhiều bà mẹ vẫn buồn lòng, họ lo lắng con sẽ bị ảnh hưởng tâm lý. (Ảnh minh họa)
|