Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Váy của Seo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Seo đến lớp với chiếc váy bị rách một mảng to ở vạt, nó cố dùng túi vải đựng sách vở che đi nhưng cái túi thì nhỏ mà chỗ rách lại quá lớn, bọn con trai đã nhìn thấy, chúng “ồ” lên cùng một lúc khiến Seo xấu hổ, tai đỏ nhừ, nó cúi gằm xuống đi thật nhanh xuống cuối lớp vào góc bàn rồi ngồi lì ở đó.

Tiếng trống điểm một hồi dài báo hiệu cho học sinh tập trung ở sân trường làm lễ chào cờ. Cả lớp đã đi hết, Seo mới đứng dậy rồi lại ngồi thụp xuống, lồng ngực phập phồng, “chẳng nhẽ hôm nay mình lại bỏ tiết chào cờ sao?”. Seo khẽ rướn người nhìn ra cửa sổ xuống sân trường, học sinh từ các lớp ùa ra xếp thành các hàng dọc dài theo từng ô đã kẻ sẵn. Seo cũng đã nhìn thấy hàng của lớp mình, bạn Hà lớp trưởng tay lăm lăm cuốn sổ điểm danh đứng ở đầu hàng. Xem ra các bạn còn khá lộn xộn, vẫn có người chậm chạp ôm ghế ngồi, uể oải đi vào hàng. Chân của Seo bấn loạn, nếu chạy thật nhanh xuống sân trường thì vẫn còn kịp, “nhưng không được, không thể xuống đó với cái váy rách te tua thế này…”. Seo bật khóc, hôm nay nó thực sự đã bỏ một tiết chào cờ.
Minh họa: Quỳnh Hoa
Minh họa: Quỳnh Hoa
Nhà Seo ở cách trường hơn chục cây số đường rừng, năm ngoái nó học ở lớp trên bản, nhưng đến cấp hai còn đi học tiếp phải xuống trường trung tâm, đám bạn ở bản tầm tuổi Seo đã nghỉ gần hết, con gái không bị gả đi lấy chồng sớm thì cũng ở nhà giúp bố mẹ làm nương, bọn con trai càng lười học, chúng thích chui rừng săn bắn hơn là phải cắm mặt vào những trang sách.

Bố mẹ Seo vừa nghèo lại đẻ nhiều con, anh lớn nhất đã lấy vợ được hai đứa cháu, còn em út của Seo thì mới đang tập bò. Các chị chưa kịp lớn, bố đã lần lượt gả đi hết, có chị nhiều thì được trả một con bò, chị nào ít cũng phải một hai con lợn. Việc Seo được xuống trung tâm xã học cũng là chuyện hy hữu trong nhà, chẳng là bố Seo tối ngày chui đầu trong chum rượu, hễ rượu hết, ông lại gọi các anh con rể về đổ cho đầy chum, thành ra bố chẳng để ý gì đến đám nhỏ lắt nhắt nuôi vừa tốn cơm lại chưa giúp được việc gì đáng kể. Thế nên Seo cứ vậy đến lớp học, đừng bao giờ để bố nhìn thấy sách vở trong nhà là được. Vậy mà loáng cái cũng hết lớp năm, cô giáo vận động mãi, mẹ mới đồng ý cho Seo xuống trung tâm vào ở trong ký túc xá của trường trọ học, đến cuối tuần về nhà giúp mẹ với các em làm nương. Mẹ dặn Seo lúc nào cũng phải tránh mặt bố, nếu ông xuống bếp thì nó đi ra ngoài, lúc ông lên nhà, Seo lại từ cửa hông xuống bếp. Nhưng hôm trước, Seo và bố bỗng chạm mặt nhau ở ngay đầu hồi, lúc Seo vừa đặt cái cuốc xuống, mặt còn lọ lem những vết nhọ của củi.

- Mày là đứa nào? Sao không ở nhà chồng mà lại về đây?” - bố vằn đôi mắt đỏ, tay chỉ thẳng vào mặt Seo khiến nó ấp a ấp úng.

- Con… Con là Seo, con đã lấy chồng đâu!

Ông bố ngẩn người ra một lúc, nhìn cô con gái thật kỹ rồi “à” lên một tiếng:

- Tao quên, vẫn còn mày nhỉ…

Nói xong, ông đi thẳng vào bếp, nghiêng cái chum múc chút rượu ít ỏi vào bắng rồi ngửa cổ như hất thẳng vào trong họng. Tối hôm ấy, ông không ăn cơm ở nhà, chẳng biết đi đâu đến tận khuya mới về, giọng sặc sụa mùi men:

- Ngủ hết rồi à, mai cấm có đứa nào đi nương.

Chẳng ai hiểu bố nói gì nhưng mờ sáng hôm sau, Seo chuẩn bị sách vở để đi học thì nghe tiếng cười nói rôm rả ngoài cổng, tiếng lợn kêu “eng éc”, năm sáu người đàn ông khiêng hai con lợn rất to đi vào đặt ở sân. Bố Seo vẫn ở trần như vậy, đi ra, mặt mày hồ hởi nói cười với khách. Mẹ bế thằng út trên tay, vội vã chạy vào giục Seo:

- Đi đi Seo, đi từ cửa sau, nhanh!

Seo cuống cuồng vơ vội chiếc túi sách đeo vào cổ, nó chưa kịp mở cửa sau thì bố đã lù lù bước vào:

- Mẹ nó đâu, con Seo đâu?

Mẹ chạy lại ngăn bố nhưng không kịp nữa, ông đã đi đến cầm tay Seo kéo lại:

- Mày còn đi đâu thế, người ta đem lợn, đem gà đến đổi lấy mày đấy.

Seo gỡ tay bố ra nhưng không nổi, mắt mũi nó đỏ rực lên:

- Con không lấy…!

- Mày cãi tao à, đám này họ đã dạm lâu rồi, tại người ta chê con em mày nhỏ quá, tao quên mất là còn có mày nữa…

Mắt mũi Seo tối sầm, tai nó ù đi, nó lớn lên trong căn nhà này đã chứng kiến những lần đi lấy chồng của các chị, chẳng có chị nào bước chân ra khỏi nhà mà không mang theo nước mắt, bố đổi những đứa con gái lấy con trâu, con bò, con lợn, rồi các con ấy cũng lần lượt bị bán đi đổi rượu. Mẹ với đám em nheo nhóc vẫn đói, vẫn rét. Seo muốn đi học, muốn được như cô giáo Thắm, biết thật nhiều chữ, được đi dạy học, có tiền lương, chẳng phải lên nương như các anh, các chị hay những người trong bản nữa.

Seo vùng tay tuột khỏi tay bố, chạy ra ngoài, đóng luôn chốt cửa gỗ lại. Ông bố vòng ra đầu hồi, thấy con dao bập ở cây cột liền cầm lấy đuổi theo con gái.

Seo vừa chạy vừa ngoái đầu lại nhìn, nó run bần bật, bố vẫn đuổi theo sau, con dao thái chuối sáng loáng trên tay. Hai đầu gối của Seo mềm nhũn, bước chân líu ríu vào nhau, rồi nó vấp phải hòn đá ngã nhào xuống. Ông bố lao đến, thấy con gái đã nằm dưới đất liền ném con dao ra ven đường. Ông cầm áo Seo kéo dậy:

- Mày định chạy đi đâu? Về, về ngay.

- Con không về, bố cho con đi học.

- À, ra là mày trốn đi học, đứa con gái nào lớn như mày chẳng phải gả chồng.

Tiếng quát của bố khiến Seo sợ hãi, trước nay trong nhà, bố là người to nhất, bố đã nói gì thì cả nhà phải răm rắp làm theo. Nhưng hôm nay lại khác, Seo cố bám tay vào cây cỏ ven đường không chịu đứng dậy. Bố túm vào vạt váy nó lôi xềnh xệch đi về. Mặc cho nó giãy nảy, khóc lóc nhưng ông bố như bị điếc, hoặc là không muốn mất mấy con lợn béo đang nằm ở sân nhà.

Bỗng mẹ Seo từ đâu chạy lên, một tay bế đứa em nhỏ, tay kia lăm lăm con dao lao vào cắt “xoẹt” vạt váy của Seo đang bị bố ra sức kéo căng. Seo ngã nhoài ra, còn ông bố vẫn nắm chặt miếng váy của con gái trong tay. Mẹ Seo hét lên:

- Chạy đi Seo, đi đi đừng về nữa.

Tiếng của mẹ đã khản đặc, Seo chợt nhận ra chỉ có chạy đi mới được thoát khỏi tay bố. Nó dùng tay quệt nước mắt rồi chạy vụt đi, với cái váy bị rách một mảng lớn ở vạt.

Vậy là cũng hết giờ chào cờ. Cô giáo chủ nhiệm gọi Seo xuống phòng hội đồng. Nó dùng chiếc túi xách che vạt váy bị rách, rón rén bước vào trong. Bỗng Seo đứng khựng lại khi nhìn thấy bố đang ngồi ở ghế, mặt đằng đằng, thấy Seo, ông nhổm dậy định lao ra nhưng nó đã kịp đứng nép vào sau lưng cô giáo.

- À, mày đây rồi…

Ông khựng lại khi thấy cô giáo đứng chắn ngang trước mặt Seo. Có vẻ như ông đã tu cả bắng rượu trước khi xuống trường tìm con, nhưng thấy hoàn cảnh bất lợi liền hạ giọng:

- Cô giáo à, nó đến tuổi lấy chồng rồi, nhà trai còn đang chờ ở trên kia.

Cô giáo nhìn người đàn ông, thân thể mảnh mai của cô như đang cố gồng ra để che chở cho học trò bé nhỏ.

- Tôi tưởng bác tìm em Seo có việc gì, chứ tìm em về lấy chồng thì tuyệt đối không được!

- Sao không được, nó là con gái tao mà…

Mặt cô đỏ bừng, là một người đã gắn bó với học sinh miền núi cả chục năm, từng rất nhiều lần lên tận nương vận động phụ huynh cho các em tiếp tục được đến lớp, nhưng cái hủ tục đã ăn sâu, ngấm vào máu hết thế hệ này đến thế hệ khác rồi, hầu như em gái nào phải lấy chồng thì không còn được đến trường nữa. Cô giáo nói với bố Seo:

- Vậy bác hỏi Seo, nếu em muốn về thì tôi cho về, còn em muốn học thì phải cho em học.

Ông bố ậm ừ một hồi rồi cũng gật đầu nghe theo cô giáo. Cô nhìn Seo bằng ánh mắt thật trìu mến:

- Em với bố ngồi nói chuyện nhé, cô đứng ở ngoài này, em đừng sợ, hãy nói với bố nếu cho em đi học tiếp thì sau này sẽ có nhiều lợn, nhiều trâu bò hơn gả bán em đi.

Seo lấm lét nhìn bố, tay vẫn vân vê tà váy rách, nó còn là đứa trẻ, vậy mà đôi mắt trong veo ấy luôn nơm nớp lo sợ bị gả đi lấy chồng bất cứ lúc nào, rồi từ đó suốt ngày chỉ biết cắm mặt lên nương, sẽ nhanh chóng có một đàn con lít nhít, và rồi già nua đi, lưng còng xuống... Như mẹ đấy thôi, mẹ kể mình bị bố bắt về nhà từ lúc còn nhỏ lắm, cánh tay mẹ yếu ớt không bưng nổi nồi cơm độn ngô to tướng, thế mà có được tha đâu, sáng tinh sương vẫn phải dậy giã gạo, gánh nước, giặt giũ cho cả chục con người, mặt trời chưa mọc đã có mặt trên nương, đến khi không còn thấy mặt người mới trở về nhà, cuộc sống của mẹ cứ vậy vòng quanh, vòng quanh từ nhà lên nương, từ nương vào trong bếp, cho đến khi trở thành mẹ lúc nào chẳng biết, rồi đứa này đứa khác lần lượt ra đời, lúc thằng bé nhất còn đang bú ti thì tóc trên đầu đã bạc trắng, những nếp nhăn xô nhàu nhĩ khuôn mặt. Seo chẳng muốn, chẳng muốn giống mẹ đâu. Nó ngập ngừng nhìn bố, nói một tràng giang đại hải toàn tiếng Mông, không để cho ông kịp chen vào lời nào, như thể không nói lúc này thì Seo sẽ chẳng bao giờ được nói nữa vậy.

Bố Seo lặng im, ông nhìn con gái một hồi rồi quay ra cửa phòng hội đồng. Seo chạy ra ôm chầm lấy cô giáo, không biết hai bố con “thương lượng” như thế nào mà ông bố lầm lũi một mình đi về. Nụ cười của Seo đang tươi rói bỗng ngưng lại trên môi khi bố nó quay ngoắt lại:

- Học nhanh lên còn về… thay cái váy khác.

Seo thấy lồng ngực nhẹ nhõm, tay mân mê mãi vạt váy cho đến khi bố đi khuất sau hành lang, nó thì thầm với cô giáo:

-         Em bảo bố sẽ lấy tiền học bổng mua một đàn lợn giống để cho mẹ nuôi đấy cô ạ!