Chủ trương có nhưng vẫn khó tiếp cận Song song với quyết định kéo dài thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng tới cuối năm 2016, ngày 6/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi NƠXH tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi của NHCSXH đối với các đối tượng quy định tại Nghị định sẽ là 4,8%/năm, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016, áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016.
Tuy nhiên, mãi đến ngày 27/7, NHCSXH mới ban hành Văn bản số 2526/NHCS-TDSV về việc Hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê mua NƠXH; Xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Văn bản có hiệu lực từ 15/8. Mặc dù vậy, để vay được, khách hàng phải đáp ứng đủ các điều kiện như: Có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, có đủ nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với NHCSXH và đặc biệt phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng… “Mức lãi suất 4,8%/năm là mơ ước và hy vọng để mua nhà của người thu nhập thấp, nhưng lại kết thúc vào cuối năm nay, tức là chỉ còn hơn 4 tháng nữa. Thời hạn cho vay ngắn mà số lượng người cần vay lại rất nhiều nên không biết tôi có “chen chân” nổi hoặc có phải “chạy chọt” để được vay kịp thời hạn hay không?” - anh Thanh (ở Đại Từ, Hoàng Mai) bày tỏ sự lo lắng. Trong khi đó, anh Minh (Thịnh Liệt, Hoàng Mai) chia sẻ, hai vợ chồng làm nghề buôn bán tự do, thu nhập của anh có thể lên tới 15 triệu đồng/tháng, vợ cũng thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nhưng để chứng minh được nguồn thu nhập này là rất khó nên không có căn cứ để thuyết phục ngân hàng. Đếm từng ngày chờ vốn Cuối năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 về phát triển và quản lý NƠXH. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có Thông tư 25/TT - NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách NƠXH. Theo đó, ngoài NHCSXH, NHNN đã chỉ định 4 ngân hàng thương mại (NHTM) là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank tham gia cho vay ưu đãi đối với NƠXH sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc. "Nhưng các NHTM này chưa triển khai vì họ còn phải giải ngân nốt gói 30.000 tỷ đồng” - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho biết. Người dân và DN phản ánh không tiếp cận được nguồn vốn còn bản thân ngân hàng được giao nhiệm vụ cho vay cũng lúng túng trong "mớ" thủ tục cũng như vẫn phải chờ nguồn tái cấp từ NHNN. Trong khi đó theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý NƠXH của Chính phủ đã quy định 2 nguồn vốn để phát triển NƠXH và nhà ở thương mại giá rẻ là nguồn vốn từ các NHTM và NHCSXH. Theo đó, NHTM do Nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 3% tổng dư nợ để cho vay mua bán NƠXH với các điều kiện ưu đãi. “3% này tương đương 300.000 - 400.000 tỷ đồng, là con số tương đối lớn” - ông Điệp đánh giá. Nguồn vay thứ hai được giao cho NHCSXH thực hiện. Theo đó, ngân hàng này sử dụng nguồn vốn 50% từ ngân sách và 50% từ nguồn huy động để cho vay với lãi suất 4,8%/năm. Như vậy, rõ ràng không hẳn do những “ách tắc” từ chính sách, ông Nguyễn Chí Thanh, đại diện một DN bất động sản cho rằng, khi bắt đầu triển khai gói 30.000 tỷ đồng trước đây, nguồn vốn đã có sẵn, nên các ngân hàng và DN mới tích cực xây dựng tạo nguồn cung đáp ứng nhu cầu của những người vay. Đến nay, mặc dù NHNN thúc yêu cầu nhưng các NHTM hiện đang gặp không ít khó khăn. Trong nửa đầu năm 2016, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng trở lại và áp lực xử lý nợ xấu, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng vẫn tiếp tục “ăn mòn” lợi nhuận của không ít ngân hàng. “Việc mua được nhà trong thời điểm này đối với người thu nhập thấp thực sự rất khó khăn” - không ít khách hàng chia sẻ.
Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh |