Vay tài chính tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp không được cấp phép vẫn hoạt động

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Song hành với sự tăng trưởng "nóng", thị trường vay tài chính tiêu dùng đang bộc lộ nhiều vấn đề bất ổn. Nhiều doanh nghiệp không được cấp phép, nhưng vẫn tiến hành hoạt động, chưa kể áp đặt lãi suất và phí vay cao trái quy định.

Đó là chia sẻ tại Tọa đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam" do tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn tổ chức ngày 25/4.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên

Sự kiện nhằm mục đích đánh giá đúng thực trạng và tìm kiếm các giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng, đồng thời cung cấp thông tin, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp.

Bộc lộ bất ổn

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn cho biết: "Thị trường tài chính tiêu dùng có vai trò và tiềm năng to lớn đối với nền kinh tế".

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn. Ảnh: Khắc Kiên
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn. Ảnh: Khắc Kiên

Những năm gần đây, bên cạnh dịch vụ cầm đồ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhiều công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng, cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng cho hàng triệu khách hàng trên cả nước (đa phần là sinh viên và người lao động).  

Tuy nhiên, song hành với sự tăng trưởng "nóng", thị trường này cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề bất ổn. Nhiều doanh nghiệp không được cấp phép, nhưng vẫn tiến hành hoạt động cho vay; không ít doanh nghiệp tự áp đặt lãi suất và phí vay cao trái quy định.

Đặc biệt, tình trạng đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, công ty mua bán nợ với các hình thức "khủng bố" người vay và người thân của người vay tiền, cưỡng đoạt tài sản, gây bức xúc, hoang mang trong nhân dân, tác động lớn đến trật tự, an toàn xã hội.

Trước thực trạng này, từ cuối năm 2022 đến nay, Bộ Công an và Công an các địa phương đã tiến hành điều tra nhiều tổ chức có liên quan đến hoạt động cho vay tài chính, cho vay cầm đồ về các dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Sự vào cuộc của cơ quan bảo vệ pháp luật đã và đang góp phần ổn định thị trường, lập lại an ninh trật tự tại các địa phương. Ở một khía cạnh khác, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng cũng đang gặp nhiều vướng mắc, do quy định pháp luật còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định về "trần" lãi suất và thu hồi nợ. 

Cụ thể, Bộ luật Dân sự quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm, nhưng không quy định về các loại phí, cũng như các vấn đề về thu hồi nợ, thu hồi tài sản... Luật Đầu tư năm 2020 cấm dịch vụ đòi nợ thuê, trong khi cơ chế khởi kiện đòi nợ hiện khó thực thi vì thủ tục phức tạp, kéo dài, trong khi giá trị mỗi khoản vay không lớn…

Ảnh hưởng uy tín

Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng Lê Quốc Ninh - Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit), với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi), Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng Lê Quốc Ninh - Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit). Ảnh: Khắc Kiên
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng Lê Quốc Ninh - Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit). Ảnh: Khắc Kiên

Cùng với sự phục hồi và phát triển kinh tế thì mức tiêu dùng cũng như nhu cầu về tài chính tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân ngày càng tăng.

Thực tế cho thấy, hoạt động tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính thời gian qua đã góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường, đặc biệt là cho vay tiêu dùng nhằm cung ứng vốn cho nhóm phân khúc khách hàng dưới chuẩn (thường khó tiếp cận tín dụng ngân hàng) giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hiện nay tham gia cho vay phục vụ tiêu dùng và phục vụ đời sống ngoài các NHTM công ty cho thuê tài chính, NHCSXH... còn có các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép.

Ngoài ra, còn có các công ty fintech, các công ty cho vay cầm đồ, các công ty lấy tên là công ty tài chính… cũng tham gia cho vay tiêu dùng song hoạt động theo Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp mà không được NHNN cấp phép, không chịu sự chi phối bởi Luật Các tổ chức tín dụng và không phải tuân thủ các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN; song chịu sự kiểm tra giám sát về an ninh trật tự an toàn xã hội của chính quyền địa phương và công an sở tại.

Tuy nhiên, hiện mới có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng cho đối tượng chủ yếu là những người yếu thế, thu nhập không ổn định, khó tiếp cận được vốn vay từ các NHTM nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt.

Mặc dù hạn chế về mạng lưới và quy mô nguồn vốn song các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đã không ngừng nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, mở rộng mạng lưới tại các Khu chế suất - Khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa… nhằm đáp ứng vốn cho người yếu thế được kịp thời đảm bảo nhu cầu thiết yếu.

Kết quả, đến ngày 31/12/2022 tổng dư nợ 16 công ty tài chính do NHNN cấp phép đạt trên 220.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87 % so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Mặc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế và dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống song đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay với dư nợ bình quân khoảng 35 - 50 triệu đồng/người.

Có thể thấy, hoạt động tín dụng tiêu dùng nói chung và hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống nói riêng đã có vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, qua đó thực hiện chiến lược tài chính toàn diện.

Do ảnh hưởng về hình ảnh và uy tín khi các công ty tài chính được NHNN cấp phép đang bị đánh đồng và đối xử như các công ty nhiều doanh nghiệp đang gửi tiền tại công ty tài chính rút tiền đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn vốn cho vay.

Với các khó khăn, vướng mắc nêu trên, đến hết quý I/2023, tốc độ tăng trưởng dư nợ so với tháng 12/2022 bị giảm (-3,8%), nợ xấu tăng cao và có nguy cơ ngày càng tăng.

 
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu. Ảnh: Khắc Kiên
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu. Ảnh: Khắc Kiên

Nhìn từ khía cạnh Tài chính tiêu dùng liên quan tới Luật Các TCTD, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi vào kỳ họp tháng 5 này. Chiến lược tài chính toàn diện, không phải Chính phủ chưa nhận thức được mà đã nhận thức rất sâu sắc khi thiết kế Chiến lược phát triển tài chính toàn diện tầm nhìn đến 2025 và định hướng đến 2030 với nhiệm vụ chính là đảm bảo công bằng, toàn diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người đi vay và cho vay. Vấn đề lớn nhất hiện nay là thi hành như thế nào.

Có 3 vấn đề nổi lên: Một là thiếu khung pháp lý; Hai là thực thi, nếu thực thi có hiệu quả quy định hiện hành đã giải quyết được phần lớn hiện trạng; thứ 3 là sự công bằng - một môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả cho các chủ thể khác nhau (TCTD, CTTC và các tổ chức khác), cần môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Quốc hội cần lắng nghe góp ý và mong muốn có thêm gợi ý với dự thảo Luật sửa đổi.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu