Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VĐV Nguyễn Thị Hằng: "Tôi theo dõi đối thủ từ màn hình LED để bứt tốc"

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau 1 ngày giành tấm HCV ở Giải vô địch điền kinh châu Á 2023 ở nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ cùng đồng đội, cô gái vàng của điền kinh Hà Nội Nguyễn Thị Hằng vẫn còn nguyên cảm xúc và niềm tự hào.

Luôn tính toán so kè với đối thủ

Giải vô địch điền kinh châu Á 2023 (AAC 2023) diễn ra tại sân Suphachalasai (Thái Lan) đã kết thúc sau 5 ngày tranh tài. Điền kinh Việt Nam tham dự với 20 VĐV, đây được coi là giải đầu tiền ASIAD 19 và được xét thành tích tính chuẩn Olympic Paris 2024. Bất ngờ đến với điền kinh Việt Nam ở ngày thi đấu cuối cùng, tổ chạy gồm Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Hằng ở nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ đã thi đấu ấn tượng để cán đích đầu tiên. Đây là tấm mang về tấm HCV duy nhất cho điền kinh Việt Nam tại AAC 2023 – thành tích 6 năm trước đạt được tại AAC 2017.

Các VĐV giành HCV nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2023. Ảnh: Dương Quỳnh.
Các VĐV giành HCV nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2023. Ảnh: Dương Quỳnh.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế&Đô thị sau 1 ngày giành tấm HCV, VĐV Nguyễn Thị Hằng cho biết tổ chạy vẫn bồi hồi và nguyên vẹn cảm xúc khi làm được điều không tưởng.

“Sau khi VĐV Nguyễn Thị Huyền thi đấu nội dung 400m rào nữ, tổ chạy động viên nhau để hướng tới ở nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ. Mục tiêu phấn đấu của đội là có trong nhóm giành huy chương, việc giành HCV là điều chưa nghĩ tới khi đây là giải châu lục phải đối đầu với các đối thủ mạnh” – VĐV Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

Nhìn lại những “bước chạy” của 4 VĐV điền kinh Việt Nam, Nguyễn Thị Ngọc được Ban huấn luyện đặt kỳ vọng và xuất phát đầu tiên nhưng cô gái người Hà Tĩnh bị các VĐV của Sri Lanka, Ấn Độ và Nhật Bản bỏ xa. Ở chặng thứ 2, VĐV của Hà Nội là Nguyễn Minh Hạnh đã cố gắng rút ngắn khoảng cách, trước khi Nguyễn Thị Huyền bứt phá ở lượt chạy thứ ba đưa Việt Nam vượt lên dẫn đầu giúp Nguyễn Thị Hằng chạy lượt cuối bứt tốc và cán đích với thành tích 3 phút 32 giây 36 - tốt hơn 69% giây so với khi giành HCV SEA Games 32.

“Bước vào phần thi, 4 chị em không đặt áp lực, thoải mải để có tâm lý tốt nhất. Mỗi người viên nhau cố một chút để gánh nhau lên và kết quả đến ngoài mong đợi” - Hằng nói. “Khi Ngọc bị đối thủ bỏ xa ở chặng đầu tiên ai cũng hồi hộp, cả đội cùng các VĐV khác trên khán đài đều hô hào và khi chặng ba Nguyễn Thị Huyền bứt tốc thì tôi đã nghĩ về tấm huy chương. Ở 200m đầu tiên, tôi có chạy quá sức dẫn đến hụt hơi ở hơn 100m cuối. May mắn khoảng cách so với đối thủ là đủ và có tấm màn LED bên cạnh đường chạy để tôi liếc nhìn đối thủ trước khi bứt tốc về đích”.

Tự hào mỗi khi Quốc ca Việt Nam vang lên

Nguyễn Thị Hằng sinh năm 1997 tại Ba Vì, Hà Nội và bén duyên với điền kinh từ năm 2012 và được triệu tập lên tuyển từ năm 2017. Trở thành tuyển thủ quốc gia ở tuổi 20, chân chạy sinh ra tại Ba Vì  đã mang lại nhiều thành tích cho cá nhân, góp vào thành tích của điền kinh nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

Các thành tích VĐV Việt Nam đạt thành tích 3 phút 32 giây 36 - tốt hơn 69% giây so với khi giành HCV SEA Games 32. Ảnh: NVCC.
Các thành tích VĐV Việt Nam đạt thành tích 3 phút 32 giây 36 - tốt hơn 69% giây so với khi giành HCV SEA Games 32. Ảnh: NVCC.

Trong tổ chạy chạy tiếp sức 4x400m nữ, hai người có kinh nghiệm nhất là Nguyễn Thị Huyền (30 tuổi) và Nguyễn Thì Hằng (26 tuổi), còn Hoàng Thị Minh Hạnh (24 tuổi) và Hoàng Thị Ngọc (21 tuổi)có lần đầu góp mặt ở giải châu Á. Tại SEA Games 32, Hằng cùng ba đồng đội lần đầu thi đấu và giành HCV với 3 phút 33 giây 5. Tuy nhiên, ở phần thi tại AAC 2023 đã có sự thay đổi so với SEA Games 32 khi Nguyễn Thị Hằng chạy cuối cùng (trước đó Hằng thường chạy ở chặng 3). Theo chân chạy đang thuộc biên chế của Hà Nội, Ban huấn luyện đã có sự thay đổi để kiểm tra tâm lý, bản lĩnh thi đấu trước các VĐV mạnh của châu lục.

“Việc phải cạnh tranh với các VĐV mạnh trong khu vực sẽ là cơ hội để tôi và đồng đội cọ xát, trau dồi kinh nghiệm. Về chiến thuật, nếu như ở nội dung 4x400m tiếp sức nam nữ có sự sắp xếp khi các VĐV nam phải chạy đỡ các VĐV nữ khoảng 10m thì ở nội dung của nữ sắp xếp không hợp lý khi các đối thủ quá mạnh. Chúng tôi chỉ biết cố gắng chạy, chạy và chạy…” – VĐV 26 tuổi cho biết thêm.

Trong sự nghiệp của mình, Nguyễn Thị Hằng không ít lần đứng trên bục vinh quang khi đạt được thành tích đáng nể. Tại ASIAD 2018 ở Indonesia, Nguyễn Thị Hằng đã xác lập kỷ lục cá nhân khi hoàn thành đường chạy 400m với thời gian 54 giây 30 (trước đó thành tích tốt nhất là 54 giây 99) và chân chạy Hà Nội cùng đội chạy tiếp sức 4x400m hỗn hợp giành vé dự Olympic Tokyo.

Điền kinh Việt Nam hướng tới ASIAD 19 và xa hơn là Olympic Paris 2024. Ảnh: NVCC.
Điền kinh Việt Nam hướng tới ASIAD 19 và xa hơn là Olympic Paris 2024. Ảnh: NVCC.

Tại đấu trường SEA Games, Nguyễn Thị Hằng có 3 kỳ liên tiếp giành HCV để đứng trên bục vinh quang. Cụ thể, năm 2019 ở Philippines, Nguyễn Thị Hằng có 2 tấm HCV tiếp sức 4x400m nữ và tiếp sức đồng đội hỗn hợp nam-nữ. Đến SEA Games 31 thi đấu ở Việt Nam, VĐV sinh ra tại Ba Vì giành được HCV tiếp sức 4x400m nữ;  SEA Games 32 là 2 tấm HCV tiếp sức 4x400m nữ; tiếp sức 4x400m đồng đội hỗn hợp nam-nữ và HCĐ 400m nữ.

“Hát Quốc ca Việt Nam ở mỗi giải đấu là niềm tự hào ở mỗi giải đấu, thật khó để diễn ta cảm xúc và hạnh phúc vô ờ bến. Gắn bó với thể thao và thoả mãn niềm đam mê, tôi đã được sống trong nhiều cảm xúc từ vinh quang đến những thất bại. Mỗi lần như vậy đều cho tôi thêm bài học, động lực và quyết tâm ở các phần thi, giải đấu tiếp theo.” – VĐV Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

 

Tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2023, Nhật Bản dẫn đầu với 16 HCV, 11 HCB và 10 HCĐ. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 13 với tấm HCV nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ, 1 HCĐ nhảy ba bước nữa của Nguyễn Thị Hường. Trong khi đó, Philippines và Singapore cùng đứng thứ 6 với 2 HCV, còn chủ nhà Thái Lan đứng thứ 10 với 1 HCV, 1 HCB và 4 HCĐ.