Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẽ bậy lên di tích, xóa không xuể

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không còn dày đặc các dòng vẽ bậy, nhưng các di tích tháp Hòa Phong, tháp Bút ở Hồ Gươm, tượng đài Thánh Gióng… vẫn còn lác đác các dòng chữ “Kiên love Hiền”, “Con "sin" cầu nguyện cho con được học sinh giỏi”…

Cách đây 3 tháng, trước khi bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội ra đời, với quy định cấm viết bậy, vẽ bậy lên di tích, bên trong lòng tháp Hòa Phong, chuông nhà Thái Học (trong khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám), bốn mặt của tháp Bút… chi chít những dòng chữ, hình vẽ bậy. Có đôi trai gái muốn in dấu ấn thể hiện tình cảm, có người suy nghĩ viết lên các bức tượng, chuông chùa sẽ linh thiêng lời cầu nguyện. Tuy nhiên, ngay sau quy định “cấm không nên làm” của bộ QTƯX, tình trạng di tích bị bôi xấu đã giảm đi ít nhiều.

Chi chít những dòng chữ vẽ bậy ở tháp Hòa Phong trước khi có bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Ảnh: Linh Anh

“Đầu tháng 4/2017, sau khi nhận được thông tin phản ánh, kiểm tra thực tế thấy hiện tượng bên trong chuông nhà Thái Học rất nhiều dòng chữ viết đè lên nhau của du khách, tôi đã yêu cầu anh em cán bộ xử lý, làm sạch các dòng chữ này. Phát hiện hành vi phá hoại, không để kéo dài, nên anh em tập trung lau sạch các hình vẽ từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm” – ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, chuông nhà Thái Học đã không còn dòng chữ viết bậy. Bởi ngay cạnh hiện vật này đã có biển cấm viết bậy. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ cũng thường xuyên chú ý, nhắc nhở du khách. “Nếu người nào tái phạm việc viết, vẽ bậy lên di tích sẽ có phương án cấm không cho vào di tích” – ông Lê Xuân Kiêu bày tỏ.

Tuy nhiên, đối với các di tích có không gian mở như di tích tháp Hòa Phong, tháp Bút ở Hồ Gươm, tượng đài Thánh Gióng… thì đặt biển, cắt cử người nhắc nhở cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Sau khi Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội xóa các dấu vết phá hoại trên tháp Hòa Phong, chỉ 1 - 2 ngày sau lại có dòng chữ khác chen lấn bên trong lòng tháp. “Lực lượng bảo vệ không thể canh giữ 24/24 giờ, quan trọng là phải tuyên truyền vào ý thức người dân” - bà Nguyễn Thị Hòa – Giám đốc Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết. Trong khi đó, việc xóa những nét vẽ trên các hạng mục di tích cổ không phải dễ. “Công việc này đòi hỏi phải có sự can thiệp của nhiều đơn vị chuyên ngành nghiên cứu và sử dụng nhiều loại hóa chất chuyên dụng phù hợp với từng nét vẽ để có thể giữ nguyên hiện trạng của di tích như lúc ban đầu” - bà Hòa nhấn mạnh.

Cầu Long Biên thường bị treo khóa hay vẽ bậy. Ảnh: Công Hùng

Tương tự, tại tượng đài Thánh Gióng đã đặt 2 biển cấm vẽ bậy nhưng tình trạng phá hoại này chỉ giảm đi phần nào. Ông Nguyễn Nam Nho – Trưởng Ban quản lý di tích đền Gióng (Sóc Sơn) cho biết, đơn vị đã nghĩ đến giải pháp lắp camera ở khu vực này để giám sát. Tuy nhiên, nếu có bắt được đối tượng vẽ bậy cũng chỉ biết nhắc nhở, chưa thể có biện pháp xử phạt.

Hành vi viết, vẽ bậy lên di tích ban đầu cũng chỉ là những suy nghĩ đơn giản của một bộ phận người dân. Thực tế, ở nhiều nước phương Tây đã có quy định các địa điểm được phép vẽ bậy. Còn ở Việt Nam, việc vẽ bậy, viết bậy trở thành hành vi phá hoại di sản. Để thay đổi nhận thức này, đòi hỏi nỗ lực bảo vệ của người làm di sản cũng như tăng cường thêm các hình thức tuyên truyền đến ý thức của người tham quan di tích.