Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Về Côn Sơn - nhớ anh hùng Nguyễn Trãi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chuyến hành hương đầu Xuân, tôi đã về vùng đất Côn Sơn (huyện Chí Linh, Hải Dương), nơi mấy trăm năm trước người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã từ quan về đây ở ẩn, sống cuộc đời thanh bạch.

KTĐT - Chuyến hành hương đầu Xuân, tôi đã về vùng đất Côn Sơn (huyện Chí Linh, Hải Dương), nơi mấy trăm năm trước người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã từ quan về đây ở ẩn, sống cuộc đời thanh bạch.

 

Côn Sơn đón chúng tôi bằng cảnh quan yên ả, thanh bình của một vùng quê trù phú trong những ngày đầu Xuân với nắng nhẹ, gió miên man thổi qua những rặng thông khiến không gian ở đây càng thêm xanh mát. Bước đến chùa Côn Sơn, mới chỉ qua cổng tam quan cổ kính bề thế với ba chữ "Côn Sơn tự", mọi người như bị hút mắt bởi hàng thông cổ thụ cao lênh khênh trước mặt. Phía sau cổng là những cây đại cổ thụ tương truyền đã có từ thời Trần Nguyên Đán. Tại sân chùa này, hiện vẫn lưu giữ nhiều tấm bia cổ trong đó đặc sắc nhất có bia Thanh Hư động được dựng từ thời nhà Trần lưu giữ bút tích của vua Trần Duệ Tông khi về thăm Côn Sơn. Đã hơn 600 năm, dòng lưu bút xưa vẫn chẳng phai mờ. Ở đây còn có bia "Côn Sơn thiện tư bi phúc tự" đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc khi Bác về thăm Côn Sơn vào những năm 60 của thế kỷ trước. Các vị sư ở chùa bảo: Chùa Côn Sơn là một trong bốn trung tâm lớn của thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập.

 

Thắp nén nhang thơm cầu cho gia đạo bình yên để dạo bước vãn cảnh chùa Côn Sơn. Điểm đến đầu tiên mà hầu hết mọi người đến nơi này đều nhắc tới đó là Giếng Ngọc nằm sau chùa Côn Sơn. Tương truyền thiền sư Huyền Quang một hôm đang ngủ bỗng có thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quý xanh mát quanh năm, uống vào thấy khoan khoái dễ chịu. Từ đó có tên là Giếng Ngọc. Du khách viếng Côn Sơn thường lấy nước giếng Ngọc để uống và rửa mặt với niềm tin sẽ được mát mẻ, thanh tịnh, trong sạch. Tôi cũng uống chút nước Giếng Ngọc để mong tâm hồn được hoà cùng mây gió Côn Sơn. Uống ngụm nước giếng nơi đất núi Côn Sơn bỗng thấy lòng thanh thản lạ kỳ, bao phiền muộn, bức bối, bao ý nghĩ ganh đua đời thường bỗng chốc như tan theo mây gió nơi này.


Rời giếng Ngọc, chúng tôi men theo con đường lát đá sau chùa để bắt đầu hành trình lên núi Kỳ Lân cao gần 200m. Mặc dù núi không cao nhưng điều thú vị là ở hơn 900 bậc đá xếp uốn lượn qua những đồi thông rì rào, vấn vít cùng nắng, gió và mùi thơm ngai ngái của những tán lá thông già. Càng lên cao, cảnh núi rừng Côn Sơn càng nguyên sơ, tĩnh lặng. Bất chợt trên đỉnh núi hiện ra một khu đất bằng phẳng được gọi là Bàn Cờ Tiên. Tương truyền nơi đó có một bàn cờ bằng đá, vào những ngày đẹp trời cả một bầy tiên nữ từ trên mây hạ xuống chơi cờ. Đứng ở Bàn Cơ Tiên ngắm nhìn bốn phương tám hướng giữa biển trời, biển gió lồng lộng với những xóm làng trù phú, sông nước Lục Đầu Giang mênh mông hữu tình, những triền đồi ngút ngàn thông reo mới thấm câu " Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng".

 

Chia tay chùa Côn Sơn để đến với khu đền thờ Nguyễn Trãi nằm ngay dưới chân núi Phượng Hoàng. Anh bạn đồng nghiệp ở báo Hải Dương bảo: Phía sau đền là dòng suối trong mát chảy suốt bốn mùa, người dân vùng này gọi là suối Côn Sơn. Tại đây có một phiến đá gọi là Thạch Bàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân nghỉ khi tới thăm di tích này. Từ chân núi đi theo lối mòn có kê đá xuống phía chân núi có một tảng đá lớn, mặt phẳng và nhẵn nằm kề ven suối gọi là Thạch Bàn lớn. Tương truyền khi xưa đây là nơi Nguyễn Trãinghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước và "tức cảnh sinh tình" viết “Côn Sơn ca”. Bước chân vào đền thờ thắp nén nhang thơm cầu cho con cái chăm ngoan học giỏi trước bức tượng thờ Nguyễn Trãi được tạc khắc trong tư thế ung dung tự tại nhưng vẫn nửa trầm tư nửa khắc khổ của một con người suốt đời phụng sự chân lý vì dân vì nước.Ngắm nhìn người anh hùng dân tộc, lòng lại dâng lên cảm xúc xao xuyến, mong người đã tìm được "nơi bóng mát để ngâm thơ nhàn" ở nơi thanh tịnh này.