Ứng cử viên Rodrigo Duterte đã chiến thắng với kết quả bầu cử tuy không được quá bán nhưng cũng hơn xa tỷ lệ phiếu bầu dành cho những ứng cử viên khác, đủ để ông Duterte trở thành tổng thống mới của Philippines mà tất cả các ứng cử viên khác phải tâm phục, khẩu phục.
Nhưng đồng thời với sự chắc chắn về tên tuổi của tân tổng thống là sự không chắc chắn về tương lai của nước này dưới thời tân tổng thống. Câu hỏi được đặt ra là Philippines rồi đây sẽ đi về đâu? Trong vận động tranh cử, ông Duterte không những chỉ tỏ ra khác biệt cơ bản với tất cả những ứng cử viên tổng thống khác về quan điểm đường lối và phong cách cầm quyền mà còn không giấu diếm sự ngưỡng mộ thời kỳ chế độ độc tài Ferdinand Marcos đã sụp đổ cách đây 30 năm. Hiện đã có không ít người ở cả trong lẫn ngoài Philippines liên tưởng đến khả năng ông Duterte sẽ dựng nên một chính thể độc tài kiểu mới ở Philippines. Cứ theo những tuyên ngôn chính sách của ông thể hiện trong cuộc vận động tranh cử thì khả năng ấy không phải không thực tế. Xưa nay, ông Duterte vốn không coi trọng tính nhà nước pháp quyền và tiêu chí, chuẩn mực được công nhận chung cho luật pháp, dân chủ và nhân quyền, thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng giải tán Quốc hội nếu Quốc hội không nghe lời tổng thống. Nhưng trên thực tế, kịch bản này rất khó xảy ra vì dân chúng bầu ông Duterte làm tổng thống không phải vì muốn chế độ độc tài tái sinh ở Philippines mà vì muốn chính trường được xã hội hóa chứ không phải là sân chơi riêng của kẻ có quyền thế và tiền của, vì dân chúng muốn có phần mình trong những chuyển biến chung của đất nước. Xem ra, ông Duterte đã nhận ra điều này ngay sau khi thắng cử với những phát biểu ôn hòa hơn. Ông Duterte trở thành tổng thống mới của Philippines chỉ với 39% phiếu bầu nên rõ ràng chưa phải là tổng thống của tất cả mọi người dân Philippines.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|