Về đâu vựa cây cảnh Hồng Vân?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ven bờ hữu sông Hồng, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) từng được biết đến như vựa cây cảnh của TP Hà Nội. Tuy nhiên, những năm qua sản xuất của địa phương này gặp không ít khó khăn.

Một thời hoàng kim

Gia đình ông Nguyễn Văn Chí, thôn Cơ Giáo, không chỉ thoát nghèo nhờ nghề trồng cây cảnh mà còn trở nên giàu có trong vùng. Sau gần 10 năm gắn bó với nghề trồng cây cảnh, cơ ngơi của ông giờ tính sơ sơ cũng hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, gia đình ông Chí đã có xe tải chuyển hàng đi bán khắp các tỉnh, TP phía Bắc. Trên địa bàn xã Hồng Vân, không chỉ gia đình ông Chí mà nhiều hộ khác thuộc thôn Cơ Giáo và Xâm Xuyên cũng giàu lên nhờ nghề trồng cây cảnh. Những năm 2008 - 2010 được xem là giai đoạn cực thịnh của nghề cây cảnh Hồng Vân. Khi đó, ở hai thôn Cơ Giáo và Xâm Xuyên, nhà nhà, người người đều tham gia kinh doanh cây cảnh. Hoạt động sản xuất, bán buôn rầm rộ quanh năm. Vào dịp Tết đến Xuân về, những con đường dọc ngang xóm làng lại nườm nượp xe cộ tới thu mua, vận chuyển cây cảnh đi khắp nơi…
Khách tham quan khu trưng bày cây cảnh của gia đình ông Ngô Đức Giang.
Khách tham quan khu trưng bày cây cảnh của gia đình ông Ngô Đức Giang.
Thành quả của ông Chí hay nhiều gia đình khác giai đoạn trước năm 2010 có được không chỉ đến từ may mắn mà còn bởi sự chịu thương, chịu khó. Ông Chí kể, cách đây chừng 10 năm, chiếc xe Babeta vẫn là phương tiện được ông sử dụng để đi bán rong cây cảnh khắp phố phường Hà Nội. Ông cùng nhiều anh em trong làng phải lặn lội đi mua đá ở Ninh Bình về tự đục đẽo, chế tác, tạo nên những khu trưng bày và bán sản phẩm, cần mẫn với tâm niệm “lấy công làm lãi”. Ông Ngô Đức Giang – một trong những người trồng cây cảnh lâu năm nhất ở xã Hồng Vân chia sẻ, không chỉ chịu khó, người làm cây cảnh còn phải khéo léo và yêu nghề. Bởi nếu không yêu cây, rất khó để tạo nên những sản phẩm độc, lạ và cho giá trị kinh tế cao. “Trong giai đoạn cực thịnh, ở xã Hồng Vân, những chậu cây cảnh có giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ không phải là hiếm...” – ông Giang nhớ lại.

Đổi mới để phát triển

Tuy nhiên, giai đoạn “cực thịnh” đó giờ đã qua. Ở thôn Cơ Giáo, Xâm Xuyên hiện nay, không khí buôn bán khá trầm lắng. Ông Nguyễn Hồng Đăng – Trưởng thôn Cơ Giáo cho biết, toàn thôn có 194 hộ nhưng hiện chỉ còn khoảng 30 hộ trồng cây cảnh quy mô lớn. Trên bình diện toàn xã cũng chỉ còn trên dưới 118 hộ theo nghề. Để thích ứng với thời cuộc, người dân xã Hồng Vân đã mạnh dạn đầu tư vốn phát triển sản xuất, đa dạng hóa các loại cây trồng. Trong đó, trọng tâm là hoa chứ không chỉ chuyên sản xuất và bán buôn cây cảnh như trước đây. Cùng với sự chủ động đổi mới sản xuất của người dân, xã Hồng Vân đã thành lập hai hợp tác xã dịch vụ hoa, cây cảnh để hỗ trợ bà con tiêu thụ.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Hải Đăng – Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết, nhằm hỗ trợ các hộ trên địa bàn giữ nghề tiến tới sống được bằng nghề, xã đã quy hoạch làng nghề hoa, cây cảnh kết hợp du lịch sinh thái rộng trên 67ha. Hiện tại, địa phương đã tiến hành xây dựng và hoàn thiện khoảng 75% kết cấu hạ tầng phụ trợ. Mục tiêu đến năm 2020, sẽ đưa Hồng Vân thành vùng du lịch sinh thái – làng nghề hoa cây cảnh trọng điểm khu vực phía Nam TP. Cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân xã Hồng Vân rất kỳ vọng vào sự chuyển biến tích cực của nghề trồng hoa, cây cảnh sẽ giúp địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn về mọi mặt kinh tế - xã hội. 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần