Về đề xuất tăng thuế: Bộ chọn việc dễ, vì ngại đụng chạm

Nha Trang (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

“Việt Nam thâm hụt ngân sách không phải vì chúng ta không tận thu mà vì chúng ta chi quá lớn, đặc biệt chi thường xuyên”, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh cho biết.

 TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh
Theo ông Nghĩa, tiết kiệm chi tiêu mới là giải pháp căn cơ, tuy nhiên, giảm chi thì đụng chạm. Vì thế, Bộ Tài chính chọn con đường dễ nhất là tăng thuế.

Bộ Tài chính vừa đưa ra Dự án sửa đổi 5 Luật thuế, đề xuất tăng một loạt các sắc thuế quan trọng, trong đó có thuế giá trị gia tăng (VAT). Nhiều ý kiến cho rằng, ngân sách thâm hụt không phải vì thu không đủ mà vì chi quá nhiều. Thay vì tiết kiệm chi thì Bộ Tài chính lại tìm giải pháp tăng thu?

- Chúng ta thâm hụt ngân sách không phải do huy động thấp, mà do chi tiêu quá lớn. Tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP của Việt Nam cao hơn tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, ở mức khoảng 22 - 23% so với mức 16 - 17% của các nước trong khu vực.

Thâm hụt ngân sách là câu chuyện truyền kỳ của Việt Nam. Lý do không phải vì ta không tận thu mà vì chi tiêu quá lớn, nhất là chi thường xuyên. Càng ngày chi thường xuyên chiếm tỷ trọng càng lớn, thu ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên. Ở một số nước, họ có thể chấp nhận ngân sách thâm hụt trong một thời gian nhất định, ví dụ 5 năm để sau đó hoàn trả lại cho cân bằng. Đằng này, ngân sách chúng ta chưa bao giờ có sự cân bằng.

Chính phủ và Bộ Tài chính nên đi theo hướng tiết kiệm chi ngân sách. Tuy nhiên, cắt giảm chi thì khó vì đụng chạm. Do đó, con đường dễ nhất chứ không phải tốt nhất là tăng thuế để tăng thu ngân sách đang được tính đến.

Vừa rồi, chúng ta cũng làm được một vài chính sách giảm chi như khoán xe công, giảm đi nước ngoài, giảm bộ máy hành chính tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt…

Thưa ông, tăng VAT có phải là một giải pháp dễ mà Bộ Tài chính đã chọn?

- Đúng vậy. Nguồn thu lớn nhất và dễ thực hiện nhất là các loại thuế gián thu, đặc biệt là VAT. VAT thể hiện ngay trên hóa đơn bán hàng, sờ sờ ra đấy chứ không khó xác định doanh thu, chi phí chính xác như thuế hộ kinh doanh cá thể, thuế thu nhập DN… Nên tăng thuế VAT là giải pháp dễ nhất. Việc tính toán và thu thuế sẽ nhanh cũng như dễ dàng hơn so với các loại thuế khác.

Vậy, đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% dự kiến vào năm 2019 sẽ ảnh hưởng thế nào đến người dân và DN?

- Tăng thuế trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả trực thu và gián thu đều tác động vào DN và người tiêu dùng (NTD). VAT là loại thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hóa, gián tiếp vào NTD. Nếu nâng mức VAT hiện nay lên 12% sẽ làm cho giá hàng hóa tăng, tác động trực tiếp đến chi phí của NTD. NTD dù giàu hay nghèo đều phải đóng chung một mức VAT cho cùng một loại hàng hóa. Do vậy, nếu VAT tăng, số tiền NTD thu nhập thấp phải đóng thuế sẽ chiếm một tỷ trọng lớn so với thu nhập của họ. Bộ Tài chính cần cân nhắc khi đánh thuế gián thu vì nó không thể điều chỉnh theo thu nhập và hỗ trợ người nghèo.

Bên cạnh đó, việc tăng thuế cũng sẽ tác động đến sức tiêu thụ hàng hóa, làm giảm khả năng cạnh tranh của các DN.

Bộ Tài chính cho rằng, các nước đang có xu hướng tăng các loại thuế gián thu, và đề xuất tăng VAT là phù hợp với thông lệ quốc tế?

- Hiện nay, một số nước trên thế giới đang hạn chế thuế gián thu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo. Một số nước đang áp dụng VAT ở mức 10% như Việt Nam, cũng có nước chỉ 5 - 7%. Thậm chí, tại nhiều bang tại Mỹ không đánh thuế VAT. Thuế trực thu đánh vào người giàu, còn thuế gián thu đánh vào tất cả. Vì thế, cần cân nhắc.

Xin cảm ơn ông!

Giải quyết thủ tục thuế cho doanh nghiệp tại Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng

Theo các chuyên gia, so với mức thuế suất thuế GTGT thông dụng của một số quốc gia trong khu vực thì mức 12% được đề xuất là mức khá cao. Cụ thể, Indonesia là 10%, Malaysia: 6%, Myanmar: 5%, Philippines: 12%, Singapore: 7%, Hàn Quốc: 10%, Đài Loan (Trung Quốc): 5%, Thái Lan: 7%.


Việc tăng thuế gián thu, cụ thể là thuế GTGT, sẽ góp phần làm tăng chi phí chung trong nền kinh tế khi NTD cuối cùng phải chịu một khoản chi phí thuế cao hơn. Điều này sẽ khiến chi tiêu sụt giảm, ảnh hưởng đến kinh doanh chung của các DN. Ngoài ra, việc tăng thuế dẫn đến tăng thu ngân sách nhưng nếu hiệu quả sử dụng ngân sách không bù đắp được sự suy giảm từ cắt giảm chi tiêu thì có thể khiến chính sách tăng thuế là không hiệu quả. Như vậy, cùng với lộ trình tăng thuế, Chính phủ và Bộ Tài chính cần có những giải pháp tổng thể nhằm tăng hiệu quả sử dụng từng đồng thuế, đặc biệt tăng hiệu quả đầu tư công.

Giám đốc Viện Kế toán Quản trị công chứng Úc tại Việt Nam

Phan Lê Thành Long