Ngày 30/8, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 chính thức được đưa vào khai thác sau 3 năm thi công. Cầu có điểm đầu cầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (Q.Long Biên) đồng bộ với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1. Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng dài 3,5 km, rộng 19,25 m.
Cây cầu đi vào hoạt động nhằm cải thiện điều kiện, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối hai bờ sông Hồng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng các quận: Hai Bà Trưng, Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.
Không chỉ đặc biệt vì có làn đường riêng dành cho xe máy, xe buýt mà cầu Vĩnh Tuy còn mới được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng và trang chí cực kỳ độc đáo.
Ông Nguyễn Hữu Cường, kỹ sư Tổng Công ty Thiết kế Tư vấn GTVT, đơn vị thiết kế hệ thống đèn tại cầu Vĩnh Tuy cho biết: “Chúng tôi sử dụng ý tưởng đèn trang trí bằng cột cao thấp, từ đó tạo ra những dải sóng ánh sáng nhấp nhô. Ngoài ra, cầu cũng được trang trí bằng hình ảnh Khuê Văn Các trên đầu chim hạc mang tính biểu tượng của Thủ đô”.
Cũng theo ông Cường, hệ thống đèn chiếu sáng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng với độ sáng cũng như vị trí lắp đặt phù hợp, không để ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và tiết kiệm ngân sách.
Anh Nguyễn Thành Nam, trú tại quận Long Biên, Hà Nội cho biết: “Cây cầu Vĩnh Tuy không chỉ giúp người dân chúng tôi đi lại thuận lợi hơn mà còn có hệ thống chiếu sáng rất độc đáo và bắt mắt”.
Theo anh Nam, không chỉ phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, từ khi hoàn thành và đưa vào khai thác, cây cầu cũng trở thành một biểu tượng của Hà Nội.