70 năm giải phóng Thủ đô

Vẻ đẹp huyền bí tháp Poshanư

Phan Mỹ Hảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào dịp này, nếu không có dịch Covid-19, người ta lại nô nức đến tháp Poshanư (TP Phan Thiết) để chứng kiến Lễ hội Katê với nhiều tiết mục đặc sắc.

Dân tộc Chăm là một trong 54 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, từng có một nền văn minh rực rỡ cùng với những đóng góp cho sự đa dạng văn hóa Việt Nam.
Tháp Poshanư huyền bí nằm cách Phan Thiết 7km, trong khu di tích Lầu Ông Hoàng. Tháp nằm trên ngọn đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hải được coi là công trình vĩ đại và là biểu tượng của Vương quốc Chăm Pa thời đó. Điểm thu hút của tháp Chăm này chính là những tinh hoa kiến trúc và nghệ thuật của người Chăm xưa tạo nên những công trình độc đáo, kỳ bí mà ngày nay còn nhiều điều chưa được giải thích khám phá.
Tháp Poshanư (TP Phan Thiết). Ảnh: Lam Thanh
Theo người dân địa phương, tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ VIII, đầu thế kỷ thứ IX tại Vương quốc Chăm Pa cổ, thờ thần Shiva - một trong những vị thần Ấn Độ giáo được sùng bái và tôn kính nhất trong văn hóa Chăm Pa. Đến thế kỷ XV, quần thể tháp được xây dựng bổ sung để thờ công chúa Poshanư - con vua Para Chanh. Công chúa Poshanư là người được dân Chăm yêu quý về tài đức và phép ứng xử. Công chúa cũng chính là người đã chỉ dạy Nhân dân trồng lúa nước, dệt vải thổ cẩm, trồng trọt, chăn nuôi…

Cách đây 30 năm, trong một cuộc khai quật khảo cổ người ta đã phát hiện trong lòng đất sâu 300 năm có một đền thờ đã bị chôn vùi. Sau đó vào năm 1990 - 2000, người ta đã tu bổ, tôn tạo cả 3 ngọn tháp hiện nay theo đúng nét kiến trúc Chăm.
Tháp chính A có 4 tầng, trên đỉnh tháp có 4 cửa sổ hình tam giác hướng về 4 phía, bên ngoài xây kín, dưới mỗi cửa sổ gạch có 4 lỗ lớn để thông gió ra ngoài. Từ trong lòng tháp lên đến đỉnh cao 15m, cạnh đáy mỗi bề gần 20m, càng lên cao càng thu nhỏ lại. Cửa chính hướng về phía Đông mà theo quan niệm của người Chăm là thần linh cư ngụ. Các hướng Bắc, Tây, Nam đều chỉ là cửa giả, chủ yếu trang trí.
Trên vòm cuốn ở hướng Tây của tháp, hiện còn những dãy chạm khắc dày đặc với những bông hoa và hình tượng kỳ lạ. Trong tháp hiện còn thờ biểu tượng sinh lực khí Linga - Yoni bằng chất liệu đá xanh đen nguyên khối. Đây là công trình còn khá nguyên vẹn của cụm tháp Poshanư.

Tháp phụ B nằm về, cao khoảng 12m, kiến trúc cơ bản giống tháp A nhưng kích thước nhỏ hơn để thờ thần Namdin (biểu tượng là con bò). Năm 1995 lúc khai quật dưới lòng đất người ta đã tìm thấy 1 bàn chân và 1 tai bò thần bằng đá. Tháp phụ C để thờ thần lửa, hiện chỉ còn lại với 1 chiều cao hơn 4m, chỉ có 1 cửa trổ về hướng Đông, những kiến trúc và trang trí nghệ thuật bên ngoài đã bị thời gian bào mòn chỉ còn lại một số đường nét mờ.

Hàng trăm năm nay, tháp Poshanư là địa điểm để người Chăm từ các vùng lân cận đến cúng viếng cầu bình an, làm lễ cầu mưa. Người dân địa phương còn đến đây để cầu cho những chuyến đi biển được bình yên, cùng những nghi lễ truyền thống khác thể hiện sự tưởng nhớ công ơn của người xưa và sự sùng bái thần linh… được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Ngoài, lễ hội Katê, Ban Quản lý di tích phối hợp với Ban Phong tục tổ chức 4 lễ hội, diễn ra tại di tích tháp gồm: Lễ Chabun (lễ cúng nữ thần mẹ xứ sở), Lễ Peh bi mbeng Yang (lễ mở cửa tháp) và lễ Yuer yang (lễ cầu đảo). Lễ hội Katê, được phục dựng từ năm 2005 với nhiều tiết mục đặc sắc được diễn ra vào tháng 7 Chăm lịch là vào khoảng tháng 9 - 10 dương lịch. Vào ngày này sẽ có các điệu múa nhịp nhàng uyển chuyển đi kèm với những nhạc cụ truyền thống như: Trống Ginăng, trống Paranưng, chiêng, kèn Xaranai, Grong (lục lạc), đàn Kanhi… làm say đắm khách phương xa.

Ngày nay, Lễ hội Katê không chỉ là niềm vui riêng của bà con dân tộc Chăm mà còn là một trong những ngày hội lớn của các dân tộc anh em Kinh, Chăm, Ra Glai ở Ninh Thuận. Lễ hội với rực rỡ sắc đỏ, vàng này còn là giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2000, lễ hội Katê đã được Bộ VHTT&DL xếp vào một trong 15 lễ hội lớn nhất ở Việt Nam.

Điểm chung là các lễ hội phải do các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công,... là người dân tộc Chăm thực hiện, có sự tham gia của các chức sắc tôn giáo tiêu biểu cho hoạt động văn hóa của dân tộc Chăm. Người Chăm đã sáng tạo những giá trị âm nhạc, nghệ thuật dân tộc đặc sắc và vận dụng vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo ra những nhạc cụ độc đáo như: đàn Kanhi, trống BaraNưng, kèn saranai, chiêng… Với từng nhạc cụ, người Chăm lại tạo ra những giá trị văn hóa âm nhạc đặc trưng, không thể lẫn với các dân tộc khác.