Nơi đây thu hút du khách bởi không gian văn hóa lịch sử đậm chất huyền thoại và cổ tích.
Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh. Ảnh: Công Hùng |
Để hiểu hết ý nghĩa, giá trị, quy mô của di tích quốc gia đặc biệt này, du khách nên ghé thăm Nhà trưng bày tư liệu, hiện vật, hình ảnh khảo cổ học về di tích Cổ Loa. Cách đó chừng vài trăm mét là một hồ nước trong xanh hình bán nguyệt. Giữa hồ có một bờ cỏ hình tròn nhô lên chính là giếng Ngọc. Tương truyền, giếng Ngọc là nơi Trọng Thủy tự vẫn sau khi phản bội Mỵ Châu. Đối diện giếng Ngọc là đền thờ An Dương Vương - nơi được ví như một quần thể cung điện lộng lẫy. Trước cửa đền có hai con rồng đá uốn lượn được điêu khắc tinh xảo, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê. Cổng tam quan khá đồ sộ, được xây hai tầng với những họa tiết trang trí rất cầu kỳ. Qua cửa tam quan, những hàng cây xanh hai bên đền là một không gian thoáng đãng, trong lành khiến ai cũng cảm thấy tâm hồn sảng khoái, thanh thản. Bên trong đền khá rộng với lần lượt những ban thờ của các vị bá quan văn võ, tứ trụ triều đình, thần Kim Quy và bàn thờ của Thục Phán An Dương Vương.
Hành trình tiếp theo sẽ đưa du khách đến với cổng làng, cũng là cổng thành trong và đình làng Cổ Loa. Theo truyền thuyết, nơi đây được xây dượng trên nền cũ của điện ngự triều, nơi bá quan triều hội ngày xưa nên trong đình còn tấm hoành phi “Ngự triều di quy”. Cạnh đình là am Bà Chúa - miếu thờ công chúa Mỵ Châu, nằm khép nép dưới gốc đa già cổ thụ. Miếu am bé nhỏ như cuộc đời ngắn ngủi của nàng công chúa đáng thương với tượng bà chúa Mỵ Châu là một hòn đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu. Trước am còn có tấm bia đá khắc bài thơ chữ Hán được viết về nàng công chúa đa truân này. Huyền thoại kể rằng: Sau khi Mỵ Châu hóa thành hòn đá to trôi dạt về bãi Đường Cấm, ở phía đông thành Cổ Loa, dân trong thành đem võng ra cáng về đến gốc đa thì đứt võng, hòn đá rơi xuống, bèn lập am thờ ngay tại chỗ. Cùng với đó, thành Cổ Loa còn có nhiều kiến trúc tôn giáo như đình, chùa, miếu, tháp, am, lăng... di tích gò, đống gắn liền với các huyền thoại thời kỳ dựng nước. Hằng năm, vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, cư dân Cổ Loa tổ chức một lễ hội trang trọng để tưởng nhớ những người đã có công xây thành, nhất là để ghi ơn An Dương Vương - người khai sinh ra nhà nước phong kiến Âu Lạc.Sở hữu vẻ đẹp đan xen giữa hiện thực sống động và thần tích hư ảo trong khung cảnh miền quê đậm chất Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình… tòa thành cổ nhất Việt Nam hiện nay ngày càng hấp dẫn nhiều du khách trong nước và quốc tế.