KTĐT - Bà Tình bùi ngùi hồi tưởng: “Tôi vẫn nhớ như in năm sinh, năm mất của các nữ dân quân ngày trước. 10 cô hy sinh ở các trận địa khác nhau, lúc đó các cô tuổi cũng chỉ khoảng 18, 20 thôi.
Những ngày tháng 3, chúng tôi có dịp về Lam Hạ, nơi trước đây từng ghi nhận những trận đánh ác liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; quê hương của 10 nữ dân quân đã anh dũng hy sinh trong những ngày toàn quốc kháng chiến năm 1966.
45 năm trôi qua từ sau khi 10 cô gái dân quân Lam Hạ hy sinh, nhưng giờ đây mỗi khi nhắc về 10 cô nữ dân quân ngày ấy, bà Nguyễn Thị Tình, chỉ huy đội nữ dân quân vẫn không cầm được nước mắt và sự xúc động của mình...
Câu chuyện cảm động về 10 nữ dân quân kháng chiến
Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện cảm động 45 năm trước, chúng tôi đã tìm về thôn Hòa Lạc, xã Lam Hạ, thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Khi hỏi chuyện về 10 cô gái Lam Hạ, chị Nguyễn Thị Hương, một người dân địa phương cho biết: “Các chú cứ vào nhà bà Nguyễn Thị Tình sẽ biết rõ. Ngày trước, bà ấy là chỉ huy của 10 nữ anh hùng đấy”.
Đi thêm vài trăm mét, chúng tôi đã có mặt tại căn nhà nhỏ đơn sơ của bà Nguyễn Thị Tình. Dù đã bước sang tuổi 70 nhưng bà Tình vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Khi nghe chúng tôi nhắc đến câu chuyện về 10 nữ anh hùng Lam Hạ, giọng bà thốt trầm xuống, ánh mắt xa xăm. Xúc động khi nhớ về những đồng đội từng một thời chiến đấu, trên khóe mắt của người nữ dân quân năm xưa lăn dài những giọt nước mắt nhớ thương đồng đội.
Bà Tình bùi ngùi hồi tưởng: “Tôi vẫn nhớ như in năm sinh, năm mất của các nữ dân quân ngày trước. 10 cô hy sinh ở các trận địa khác nhau, lúc đó các cô tuổi cũng chỉ khoảng 18, 20 thôi. Tại trận địa pháo 37 ly, ngày 1/10/1966 có 6 cô hy sinh gồm: Cô Đinh Thị Tâm (sinh năm 1948), Trần Thị Tuyết (sinh năm 1947), Phạm Thị Lan (sinh năm 1944), Vũ Thị Phương (sinh năm 1943), Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1948) và Nguyễn Thị Thi (sinh năm 1950). Trên trận địa pháo 57 ly, ngày 2/10/1966, cô Đặng Thị Chung (sinh năm 1944) hy sinh. Còn trận địa pháo 100 ly, ngày 9/10/1966 có cô Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1948), Trần Thị Thẹp (sinh năm 1944) và Nguyễn Thị Oánh (sinh năm 1942) cũng anh dũng hy sinh”.
Theo trí nhớ của bà Tình, đêm 1/10/1966, sau khi bộ đội và dân quân của địa phương chiến đấu chống lại trận đánh của Mỹ thì bất ngờ chúng quay sang phá hỏa lực của ta, trong đó tiêu biểu là trận địa 37 ly đóng tại xã Lam Hạ do các nữ dân quân đang chốt giữ.
Còn mãi hình ảnh 10 nữ anh hùng
Để hiểu thêm về 10 nữ dân quân Lam Hạ anh hùng, chúng tôi tìm về thăm gia đình mẹ Phạm Thị Quỳ - mẹ của hai liệt sỹ Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi cùng người chị gái của hai liệt sỹ là chị Nguyễn Thị Vượng.
Đến ngày 9/10/1966, Mỹ tập trung đánh trận đại pháo 100 ly tai thôn Đường Ấm làm 3 nữ xạ thủ trúng bom. Chị Nguyễn Thị Thuận bị bom tiện chân và chị đã hy sinh ngay chiều cùng ngày trên bàn mổ.
Ông Quỹ cho biết thêm, việc bảo tồn nghĩa trang liệt sĩ được UBND xã Lam Hạ quan tâm rất tốt. Hàng năm vào các ngày lễ có rất đông người dân ở các địa phương lân cận về dâng hương tưởng nhớ 10 cô gái Lam Hạ.
Mảnh đất nơi đây vẫn còn lưu lại nhiều vết tích của chiến tranh với những kỷ vật kháng chiến. Bản thân người quản trang như ông Quỹ cũng như những người dân Lam Hạ vẫn luôn nhớ về hình ảnh của “10 nữ dân quân Lam Hạ” dù năm tháng trôi qua.
Rời Lam Hạ giữa tiết trời giá lạnh của miền Bắc những ngày tháng ba, nhưng trong lòng chúng tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm bởi mảnh đất nơi đây đã nuôi dưỡng những người con gái kiên cường đã xả thân vì tổ quốc, vì mảnh đất quê hương. Những thế hệ hôm nay vẫn nhớ về các chị như những người anh hùng đã ngã xuống cho quê hương.