Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Về nơi Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm bên dòng sông Đáy, được bao quanh bởi làng mạc, ruộng đồng, núi Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội có phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình.

Nơi đây còn hội tụ nhiều di tích tâm linh và là nơi mang giá trị lịch sử ghi dấu những nốt son trong sự nghiệp kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.​
Hang Trầm không chỉ có chùa Hang được xây dựng trong động Long Tiên, dưới chân Tử Trầm sơn với ban thờ Phật, các pho tượng Phật, tiên, hộ pháp đều bằng đá, văn bia khắc trên vách động, các nhũ đá với hình dạng rồng đá, chim đá, hoa sen đá, trống đá, khánh đá khắc họa nét đẹp cổ kính sinh động nơi đây mà còn là nơi lưu trữ khoảng 20 bài văn thơ cổ khắc trên vách đá, chuông đồng ca ngợi cảnh đẹp của ngọn núi Trầm qua nhiều triều đại. 
Quang cảnh bên ngoài chùa Trầm.
Quang cảnh bên ngoài chùa Trầm.
 
Được núi Trầm bao bọc, có hang động kỳ vĩ, Đài tiếng nói Việt Nam đã chọn sơ tán về đây làm việc từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947. Chính trong hang Trầm, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngân vang đến mọi miền đất nước và đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam như một lời hiệu triệu: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Bác Hồ đang thăm chùa Trầm (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ đang thăm chùa Trầm (Ảnh tư liệu)
Ngay sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác ngày 20/12/1946, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã nổ tiếng súng đầu tiên tấn công giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta. Tiếng súng báo hiệu cuộc chiến tranh sẽ cam go và trường kỳ. 

Tiếng chuông chùa tạm lắng xuống, gian phòng chùa cổ trong hang Trầm và nhiều vùng quê khác của huyện Chương Mỹ đã trở thành nơi hoạt động cách mạng của các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước về đây làm việc trước khi chuyển lên Việt Bắc. Tại cửa chùa Trầm, nơi đây còn bia đá ghi dấu thời kỳ lịch sử hoạt động của Đài tiếng nói Việt Nam. 
Bia tưởng niệm của Đài tiếng nói Việt Nam tại cửa hang Trầm, nơi đây Đài tiếng nói Việt Nam đã sơ tán về đây làm việc và phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bia tưởng niệm của Đài tiếng nói Việt Nam tại cửa hang Trầm, nơi đây Đài tiếng nói Việt Nam đã sơ tán về đây làm việc và phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng tại đây, đêm Giao thừa, Tết Đinh Hợi năm 1947, Bác Hồ đã đọc thơ chúc Tết đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài qua Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ai đến với chùa Trầm đều không thể bỏ qua chùa Hang với những thạch nhũ như có người tạc lên vách núi, được tham quan di tích lịch sử nơi Bác Hồ về thăm và làm việc.
 
Nói đến núi Trầm và chùa Trầm với lợi thế khung cảnh yên tĩnh, thanh tịnh của sông Đáy uốn quanh tựa như bức tranh thủy mạc, người dân Chương Mỹ còn tự hào xưa kia, nơi này là hành cung của vua Lê, chúa Trịnh.
Phía dưới chân núi Trầm là đường Bác Hồ căn dặn chính quyền đắp cho nhân dân đi và ao sen người dân vẫn còn giữ để tưởng nhớ đến Bác.
Phía dưới chân núi Trầm là đường Bác Hồ căn dặn chính quyền đắp cho nhân dân đi và ao sen người dân vẫn còn giữ để tưởng nhớ đến Bác.
Bởi phong cảnh yên tịnh ấy đã chở che cho cách mạnh Việt Nam  khi cuộc chiến tranh bước vào thời điểm ác liệt nhất, ngày 3/7/1966 một lần nữa chùa Trầm đón Bác để viết Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chuẩn bị cho Hội nghị chính trị đặc biệt của Trung ương Đảng với tuyên ngôn bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. 

Dù bộn bề bao công việc, nhưng khi ở hang Trầm Bác đã viết câu đối bằng chữ Hán ca ngợi cảnh đẹp của núi Trầm. Bác căn dặn cấp ủy, chính quyền địa phương đắp đường cho dân đi. Tưởng nhớ đến công lao của Bác, ngày nay nhân dân địa phương vẫn giữ ao sen trước cửa chùa Trầm trồng từ khi Bác về đây. 

Những vách đá, tán cây trên núi xòa bóng che trở cho chùa Trầm và làm cho không gian ở đây mát mẻ quanh năm. Với bề dày lịch sử diễn ra tại đây, chùa Trầm đã được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ rất sớm, năm 1962. Sự hòa quện giữa lịch sử với cảnh quan, núi Trầm đang là điểm đến tham quan du lịch của nhiều du khách.
Nhà thở họ Nguyễn của gia đình ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Hà Nội - Gia đình được Bác Hồ cùng các đồng chí Trung ương Đảng đến thăm và làm việc năm 1946.
Nhà thờ họ Nguyễn của gia đình ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Hà Nội - Gia đình từng được Bác Hồ cùng các đồng chí Trung ương Đảng đến thăm và làm việc năm 1946.
Núi và chùa Trầm liền một khối không thể tách rời. Núi mang màu trầm tích, giữ trong mình giá trị lịch sử không thể phai mờ về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ xâm lược Bác Hồ đã 7 lần về Chươg Mỹ, trong đó 3 lần Bác về làm việc và nói chuyện với quân và dân ở núi Trầm, chùa Trầm. 

Tưởng nhớ đến công lao của Bác, nhớ về những ngày đầu gian khó của cách mạnh, và phát huy giá trị văn hóa lịch sử và cảnh quan thiên nhiên ban tặng huyện Chương Mỹ đã đề xuất với thành phố Hà Nội quy hoạch phát triển khu di tích lịch sử chùa-núi Trầm là điểm đến du lịch của Thủ đô. Rồi đây, núi-chùa Trầm sẽ có nhiều người biết đến và lời Người năm xưa còn vang xa mãi tuyên ngôn “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.