Về nơi người bác sĩ, liệt sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm ngã xuống
Kinhtedothi-Tháng Tư, tôi theo chân đoàn công tác của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi vượt rừng Ba Tơ về lại nơi bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã ngã xuống. Chuyến hành trình được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025).
Bắt đầu từ hồ Liệt Sơn (phường Phổ Hòa, thị xã Đức Phổ), chúng tôi lên đò, băng qua mặt nước rộng lớn, lặng lẽ như tờ để tiến vào thôn Nước Đan (xã Ba Trang, huyện Ba Tơ). Sau đó, tiếp tục vượt chặng đường dài trên những con đường núi gập ghềnh, róc rách tiếng suối chảy.

Đoàn vượt hồ Liệt Sơn để vào thôn Nước Đan.
“Những đồ vật nặng mọi người nên để lại, chỉ mang gọn nhẹ hết sức có thể, nhớ mang theo nước uống vì đường rất xa và khó đi. Tôi sẽ chặt cây để làm gậy cho mọi người dễ leo núi”- anh Phạm Văn Thót (một trong số những người dân H're bản địa đảm nhận vai trò dẫn đường) dặn dò.
Đoàn chia thành hai nhóm, đi hai lối rừng khác nhau, chẳng ai biết nhóm còn lại thế nào. Không có sóng điện thoại, không tin nhắn, không cuộc gọi, các thành viên chỉ biết tiến thẳng lên núi cao với điểm đến là nơi bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh.

Đoàn băng qua xóm nhỏ của người đồng bào H're.
Chúng tôi băng qua xóm nhỏ của người H're với vài nóc nhà đơn sơ nép mình dưới tán rừng. Nơi này, người đồng bào sử dụng năng lượng từ dòng suối để tạo nguồn điện, cuộc sống vẫn gọn ghẽ, bình lặng và kiên cường như thế suốt bao năm qua.
Rời khu vực dân cư, đường đi càng trở nên hoang vắng và khó khăn hơn. Những dốc cao và triền núi thẳng đứng tiếp nối nhau. Cây rừng và dây leo xoắn xuýt giăng kín lối mòn phủ đầy lá khô.
Người dẫn đường phải liên tiếp phát, dọn để mở lối, phía sau lưng là chúng tôi người này dìu người kia tiếp tục tiến bước. Sau nhiều chặng dừng nghỉ, chúng tôi cũng đến nơi, mặt ai nấy đều đỏ bừng, nhễ nhại mồ hôi. Có người mệt lả khuỵu chân, có người tựa vào cây rừng thở dốc...

Đường núi dốc đứng.
Đứng trước bia tưởng niệm nhỏ giữa rừng già - nơi bác sĩ Trâm ngã xuống năm 1970 - tôi tự hỏi: một người con gái sinh ra, lớn lên ở Hà Nội đã sống và chiến đấu ra sao ở chốn hoang vu này?
Bao nhiêu năm trôi qua, núi rừng vẫn tịch mịch, chỉ có tiếng lá, tiếng gió và nỗi lặng lẽ phủ lên từng thân cây, phiến đá. Trong không gian thẳm sau ấy, tôi thấy tuổi trẻ của chị như còn ở đây - giản dị, rực rỡ và bất diệt.
Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ra trong một gia đình trí thức tại Hà Nội, tốt nghiệp loại ưu Trường Đại học Y khoa năm 1966, khi mới 24 tuổi. Giữa lúc đất nước chia cắt, chị tình nguyện vào miền Nam và đặt chân đến Đức Phổ - Quảng Ngãi.

Di tích Bệnh xá huyện Đức Phổ - nơi bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm công tác.
Tại đây, chị làm bác sĩ quân y cho lực lượng vũ trang cách mạng, chăm sóc thương binh, người dân trong điều kiện hết sức thiếu thốn. Giữa bom đạn và gian khổ, những dòng nhật ký của chị – đầy yêu thương, giằng xé, nhưng cũng kiên cường đến tận cùng – chính là hình ảnh một tuổi trẻ Việt Nam trong chiến tranh.
Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng và không may bị lọt vào ổ phục kích của địch, bác sĩ Đặng Thùy Trâm anh dũng hy sinh, khi ấy chị chưa tròn 28 tuổi.
Nhật ký Đặng Thùy Trâm gồm 2 tập, được viết từ năm 1968 (khi phụ trách Bệnh xá Đức Phổ) cho đến ngày 20/6/1970, 2 ngày trước khi chị hy sinh. Hai tập nhật ký này được Fredric Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ nhặt được tại chiến trường Đức Phổ, lưu giữ suốt 35 năm cho đến ngày được trả lại cho gia đình liệt sĩ Trâm vào cuối tháng 4/2005.

Cuốn sách "Nhật ký Đặng Thùy Trâm".
Sau đó, cuốn nhật ký được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản thành cuốn sách mang tên “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Tác phẩm lần lượt được dịch ra nhiều thứ tiếng, xuất bản ở nhiều quốc gia, làm lay động hàng triệu trái tim – không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới
Bác sĩ Đặng Thùy Trâm được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân ngày 20/2/2006.
30/4 năm nay - tròn 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước- tôi chỉ muốn kể lại một hành trình băng rừng vượt suối, về nơi từng có một người bác sĩ, chiến sĩ sống, công tác, chiến đấu và ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Để từ đó, càng ghi nhớ công ơn các thế hệ cha ông và trân quý hơn cuộc sống hòa bình hôm nay.

Đoàn công tác thành kính dành phút mặc niệm ở nơi người anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng xúc động bày tỏ: “Ngay tại khe Nước Lạnh, xóm Đồng Lớn, thôn Nước Đan, chúng tôi - các thế hệ trẻ đi sau kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương, bày tỏ sự khâm phục và lòng tri ân sâu sắc đến chị - người anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm! Chúng tôi nguyện tiếp tục giữ mãi ngọn lửa tuổi 20, giữ mãi truyền thống anh hùng cách mạng của chị và truyền lửa truyền thống ấy thấm sâu vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng và phát triển quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp”.
Hành trình lần này không chỉ là về nguồn, mà còn mở ra những dự định cho tương lai. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đang ấp ủ kế hoạch đưa nhiều người hơn đến với vùng đất này, thông qua hình thức du lịch hợp lý, bền vững, vừa để khám phá, vừa để tri ân.

Hành trình lần này không chỉ là về nguồn, mà còn mở ra những dự định cho tương lai.
Đặc biệt, người dân nơi nữ bác sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cống hiến thanh xuân và hy sinh vì đất nước- đã đồng lòng chọn tên người bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm để thành lập một xã mới, trên cơ sở sáp nhập xã Ba Trang và xã Ba Khâm. Một cái tên không chỉ để nhớ, mà còn để sống cùng.

Quảng Ngãi: đảm bảo an toàn giao thông dịp lễ 30/4, 1/5 và cao điểm du lịch hè
Kinhtedothi- Nhiều giải pháp được Quảng Ngãi triển khai để đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), phục tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm du lịch hè 2025.

Quảng Ngãi lý giải nguyên nhân dừng đầu tư 3.800 tỷ đồng vào đảo Ngọc
Kinhtedothi-Thay vì sử dụng 3.800 tỷ đồng ngân sách để giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng rồi đấu giá, Quảng Ngãi sẽ đấu thầu, tìm nhà đầu tư đủ tiềm lực để biến đảo Ngọc thành khu đô thị, dịch vụ đẳng cấp.

Quảng Ngãi tập trung nâng cao chất lượng du lịch mùa cao điểm
Kinhtedothi - Quảng Ngãi đang bước vào mùa cao điểm du lịch, nhất là dịp lễ 30/4 và 1/5. Các cơ sở lưu trú; khu, điểm du lịch đã tập trung cải thiện chát lượng, đa dạng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách.