Về quê hương chiếc gậy Trường Sơn
Cơn lốc đô thị hóa cùng những xô bồ chưa tràn qua miền quê thanh bình này nên những nét đẹp trong văn hóa làng từ thuở ban sơ vẫn còn được lưu giữ.
Làng quê thanh bình
Hình ảnh đầu tiên hút ánh mắt là cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi sừng sững với tán lá xanh tỏa bóng mát cho một vùng rộng lớn. Đó là nơi hội tụ những nét đẹp văn hóa trong làng.
Cách cây đa không xa là Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn, nơi lưu giữ kỷ vật quý báu thời kháng chiến của làng. Tiếp đến là những gian hàng chợ quê với đủ thứ quà bánh, rau dưa, thịt cá... Mái đình cổ thờ tướng quân Nguyễn Đức Chính (người giúp vua Đinh dẹp loạn 12 xứ quân và được nhân dân tôn là Thần hoàng làng) rêu phong nghiêng nghiêng trong nắng sớm. Ông Lê Văn Thoại, người trông coi đình nói: "Ngôi đình này có niên đại gần 500 năm, về cơ bản vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ. Đình vinh dự được Bộ VHTT&DL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2005". Đưa ánh mắt về phía xa, những tấm vải màn mới dệt đang phơ phất… Tất cả những hình ảnh ấy đã tạo nên một bức tranh phong cảnh mộc mạc, ấn tượng.
Ông Phùng Văn Quán, một trong những tác giả của “Chiếc gậy Trường Sơn”. Ảnh: Hạnh Phúc
Truyền thống lịch sử hào hùng
Tinh thần bất khuất, lòng yêu nước sâu sắc của người dân xã Hòa Xá chưa bao giờ vơi từ thời vị tướng tài ba Nguyễn Đức Chính. Ngôi chùa sát bên đình cũng là một di tích lịch sử cách mạng. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã từng chọn chùa Hòa Xá là nơi để giấu tài liệu mật. Khi giặc Pháp "đánh hơi" thấy, chúng đã phá phách ngôi chùa, đập vỡ các pho tượng. Những năm đánh Mỹ, lớp lớp thanh niên Hòa Xá lại viết tiếp truyền thống cha ông hăng hái lên đường ra trận. Nhiều gia đình chỉ có một người con duy nhất nhưng vẫn để con tình nguyện đi bộ đội. Những phong trào "Chiếc gậy Trường Sơn", "Chiếc nhẫn chung thủy" đều xuất phát từ mảnh đất này.
Hồi tưởng quá khứ, ông Phùng Văn Quán kể lại: "Năm 1965, tôi cùng 2 người bạn thân là Đỗ Tít và Lưu Tiến Long lên đường vào chiến trường miền Nam. Khoác trên vai chiếc ba lô nặng hơn 20kg, đi khoảng một cây số là ai nấy đều mệt oải người. Khi tạm nghỉ vẫn phải đứng, đeo ba lô thế nên tôi nghĩ ra cách chặt một cây rừng cứng dài 1,2m, to hơn ngón chân cái để đỡ chiếc ba lô cho bớt nặng. Anh Tít và anh Long cũng chặt một đoạn trúc già và một đoạn tre ven đường làm gậy chống". Từ đó cuộc hành quân trở nên dễ dàng hơn.
Cây đa cổ thụ tại xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Bá Hoạt
Khi đã vào đến chiến trường chuẩn bị cho một trận đánh lớn, 3 chàng trai gặp được người cùng làng trở về quê, họ quyết định gửi 3 cây gậy về nhà để gia đình yên tâm. Ông Quán tâm sự: "Tôi đã khắc lên thân gậy tên mình, những địa danh đã đi qua và dòng chữ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" với mong muốn người nhà "thấy gậy như thấy người" và dù tôi có trở về hay không cũng không quan trọng". Không ngờ đến hôm nay, những cây gậy ngày nào lại trở thành bảo vật của cả xã. Bài hát "Chiếc gậy Trường Sơn" do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác cũng được khởi nguồn từ đây. Hiện, chiếc gậy của ông Quán đang được trưng bày tại Bảo tàng "Chiếc gậy Trường Sơn" thuộc trung tâm hành chính của xã.
Tự hào về quê hương
Từ khi chiến sĩ trẻ Phùng Văn Quán cùng đồng đội gửi cây gậy về quê, xã Hòa Xá là nơi đầu tiên dấy lên phong trào "Chiếc gậy Trường Sơn". Vào những đợt tân binh lên đường ra mặt trận, cán bộ xã đều tặng cho mỗi người một chiếc gậy để động viên tinh thần họ... Đến nay, khi chiến tranh đã qua đi, phong trào này vẫn còn được giữ vững.
Người dân Hòa Xá bây giờ luôn tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn”. Họ luôn tự giác vươn lên trong học tập, sản xuất. Nhiều năm qua, số học sinh đỗ đại học của xã luôn cao hơn các xã lân cận. Tinh thần "Chiếc gậy Trường Sơn được" được đưa vào dạy cho trẻ từ mầm non, nên lòng yêu nước được khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân. Chẳng những thế, để bảo vệ nghề dệt màn truyền thống, 2/3 số hộ trong xã vẫn làm nghề này dù nó không mang lại lợi ích kinh tế cao. Toàn xã có khoảng 200 máy dệt màn đang hoạt động.
Dệt màn, một trong những nghề truyền thống của người dân Hòa Xá. Ảnh Bá Hoạt
Tối 30/4 hàng năm, quê hương Chiếc gậy Trường Sơn thường tổ chức đêm văn nghệ chào mừng long trọng, hoành tráng với sự góp mặt của các "đoàn nghệ thuật" đến từ 5 xóm của xã.
Rời quê hương của "Chiếc gậy Trường Sơn", hình ảnh làng quê với những con người chân chất quanh năm một nắng hai sương vẫn lưu lại trong lòng người đến. Thật hiếm ngôi làng nào thời nay vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống như vậy.