Bất cập trong ý thức và tổ chức quản lý
Một nghiên cứu mới đây do trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD), Dự án JEAI Re cycurbs VIET phối hợp thực hiện cho thấy, mỗi ngày người dân TP xả ra khoảng 6.000 tấn rác thải sinh hoạt, chưa kể đến các loại rác thải khác. Nhưng theo các chuyên gia, con số này còn cao hơn nhiều, do lượng rác bị xả bừa bãi, không thu gom được là rất lớn.
Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là tập quán xả rác bừa bãi, ý thức bảo vệ môi trường của bộ phận không nhỏ người dân chưa cao. Những hành vi xả rác tuỳ tiện có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, bất chấp nỗ lực tuyên truyền của các đơn vị VSMT. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Nguyễn Hữu Tiến cho hay, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn đô thị sạch đẹp, văn minh, đơn vị đã cử cán bộ đi từng hộ gia đình, từng cửa hàng kinh doanh tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên hiệu quả còn rất thấp. Hành vi xả rác bừa bãi đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Đặc biệt là tại khu vực nông thôn, ngoại thành, rác vẫn chưa trở thành mối quan tâm thực sự đối với người dân và cả chính quyền địa phương.Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước cũng như thực hiện nhiệm vụ VSMT trên địa bàn TP còn khá nhiều bất cập. Lãnh đạo Urenco dẫn chứng, hiện nay, đơn vị đang duy trì VSMT theo quy trình công nghệ số 6841/2016/QĐ - UBND của TP. Sau hơn 2 năm thực hiện, giá nhiên liệu, phương tiện, lương cơ sở, lương tối thiểu vùng… đều tăng nhưng đơn giá định mức đã được TP ban hành vẫn giữ nguyên. Hay công tác xử phạt hành vi xả rác bừa bãi đã được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ - CP của Chính phủ nhưng chưa được triển khai quyết liệt, chưa đem lại hiệu quả, thiết thực.Hạ tầng, nhân lực chưa đạt yêu cầuBên cạnh những nguyên nhân cơ bản là ý thức của không ít người dân còn kém; các quy định, chế tài chưa đầy đủ, chặt chẽ, còn có nguyên nhân từ hạ tầng và cả năng lực thực hiện công tác VSMT của một số đơn vị tại Hà Nội còn chưa đạt yêu cầu.Về hạ tầng, hiện Hà Nội mới chỉ có hai khu liên hợp xử lý chất thải tập trung được đầu tư tốt là Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây). Nhưng với khối lượng chất thải lớn như hiện nay, khoảng 5.000 tấn/ngày tại Nam Sơn và 1.500 tấn/ngày tại Xuân Sơn, thì tuổi thọ của hai bãi rác ngắn và sẽ đầy trong tương lai gần. Đáng lo ngại hơn là mỗi khi hai khu xử lý này gặp sự cố, rác thải không có nơi tập kết, chất đầy trong nội thành, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nếu không sớm có kế hoạch đầu tư, xây dựng thêm các khu xử lý khác, Hà Nội sẽ vô cùng bị động trong công tác dọn dẹp VSMT.Không những thế, năng lực, tác phong làm việc của một số đơn vị VSMT cũng đang khiến người dân lo lắng. Đơn cử như vừa qua, cử tri đã có nhiều kiến nghị về năng lực của Công ty CP Công nghệ cao Minh Quân - đơn vị trúng thầu dọn dẹp VSMT trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Nhiều chuyên gia cho rằng, các Sở: Xây dựng; TN&MT, chính quyền quận, huyện cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa công tác dọn dẹp VSMT; quyết liệt xử lý những đơn vị yếu kém. Như vậy mới có thể nâng cao hiệu quả công tác giữ gìn, đảm bảo VSMT của toàn TP.
Một trong những vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả giữ gìn, đảm bảo VSMT của Hà Nội cũng như mọi đô thị khác là ý thức của người dân. Hà Nội nên đưa nội dung này, lồng ghép vào chương trình giáo dục phổ thông để trang bị kiến thức cũng như nâng cao ý thức cho các em học sinh, thế hệ tương lai của TP.Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành |