Ghé thăm Đồi 79 mùa Xuân, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh hai hồ nước xanh trong. Mặt hồ phẳng lặng với bạt ngàn những hoa súng, hoa sen,… Bao quanh hồ nước là đường đi bộ với hệ thống cây xanh phủ bóng mát rượi. Từ chân đồi, qua 79 bậc thềm lát gạch sạch sẽ, tinh tươm sẽ tới đỉnh, nơi đặt bức tượng Bác Hồ.
|
Bức tượng Bác Hồ nặng khoảng 800kg do người dân huyện Yên Lãng (cũ), nay là huyện Mê Linh đóng góp, xây dụng lên |
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Cố, năm nay 82 tuổi và là cựu giáo chức ở xã Thanh Lâm, ngay sau ngày Bác mất, người dân trong xã đã phát động phong trào trồng hàng trăm cây xanh trên hai ngọn đồi của xã. Để ghi nhớ công ơn của Bác, vào năm 1971 (tức hai năm sau ngày Bác mất), dù kinh tế còn nhiều khó khăn, Nhân dân huyện Yên Lãng (cũ), nay là huyện Mê Linh (TP Hà Nội), đã công đức nhiều đồ gia dụng, thờ cúng quý giá bằng đồng như: hạc, lư hương - bát hương, mâm, chân nến,… để đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức tượng hoàn thành nặng gần 800kg, được đặt trên đỉnh đồi ngày đó trồng toàn thông, phi lao, có cả 79 cây ăn quả. Người dân khi đó đã quyết định đặt tên ngọn đồi là 79 mùa Xuân. Theo đánh giá, bức tượng Bác trên Đồi 79 mùa Xuân là một trong những bức tượng đầu tiên được đúc trên cả nước. Nhưng trên hết, đó là minh chứng cho tấm lòng kính yêu vô hạn của Nhân dân huyện Yên Lãng (cũ) đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
|
Khu tưởng niệm, nơi đặt tượng Bác Hồ trên đỉnh cao nhất của Đồi 79 mùa Xuân |
Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Mê Linh Nguyễn Huy Sơn cho biết, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Đồi 79 màu Xuân, những năm qua, địa phương đã chấp thuận cho một doanh nghiệp tiếp nhận và triển khai các dự án phát triển khu du lịch tâm linh tại đây. Đơn vị này hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của UBND huyện, đặc biệt là đối với Đền thờ Bác Hồ (nằm trên đỉnh đồi) - công trình được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2004. Theo đó, doanh nghiệp này đã tiến hành xây dựng, cải tạo lại cảnh quan Đồi 79 mùa Xuân như: Xây dựng Đài sen sau tượng đài Bác, tu bổ lại Nhà tưởng niệm, đồng thời xây mới, nâng cấp một số hạng mục tâm linh như: Khu nhà thiền, thác vạn phật, hồ phóng sinh, lầu đại hồng,… Điển hình là Đền Báo Ân với đường nét kiến trúc tinh tế nằm ẩn mình dưới tán cây sao đen. Đây là đền thờ Đức Thánh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.
Hiện, cứ vào dịp ngày sinh nhật Bác, Quốc khánh 2/9, hay những ngày cuối tuần, khu tưởng niệm Đồi 79 mùa Xuân lại tiếp đón hàng ngàn du khách từ khắp các tỉnh, thành ghé thăm quan, thắp hương tưởng nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh.