Đặc sắc điệu múa Bồng
Đến thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, hẳn ai cũng muốn được chiêm ngưỡng điệu múa “Con đĩ đánh Bồng”. Đây là một điệu múa cổ, do những chàng trai trẻ giả làm thiếu nữ thực hiện. Gương mặt tươi tắn, ánh mắt đong đưa, má phấn môi son, yếm đào rực rỡ… Những chàng trai xinh đẹp như những cô gái đến tuổi trăng tròn say đắm trong điệu múa mềm dẻo, uyển chuyển, như hút hồn người xem lạc vào câu chuyện cổ tích.
Theo người dân làng Triều Khúc, điệu múa “Con đĩ đánh bồng” còn gọi là múa Bồng, gắn liền với sự kiện Phùng Hưng tập hợp binh sĩ, đóng quân tại làng Triều Khúc xưa. Ban đầu, múa Bồng được biểu diễn nhằm giải trí cho binh lính khi mừng công thắng giặc. Do trong quân không có nữ, các binh sĩ đóng giả con gái rồi múa mua vui. Sau khi vua Phùng Hưng qua đời, để tưởng nhớ ngài, Nhân dân Triều Khúc đã lập đình thờ. Cũng từ đó, múa Bồng là điệu múa phục vụ nghi lễ tế thần khi vào đám và là điệu múa hầu Thánh, mang tính nghi lễ.
Năm 1985, nhận thấy điệu múa cổ có nguy cơ bị thất truyền, nghệ nhân Triệu Đình Hồng, người làng Triều Khúc đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ để bảo tồn và phát huy nét đặc sắc của điệu múa Bồng. Hiện, Câu lạc bộ múa Bồng của làng Triều Khúc có 30 thành viên. Ngoài biểu diễn trong các dịp lễ hội, hầu Thánh, Câu lạc bộ còn phục vụ các sự kiện văn hóa của địa phương, tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa của huyện, thành phố...
Anh Nguyễn Huy Tuyển (sinh năm 1978), chủ nhiệm Câu lạc bộ có hơn 20 năm tham gia múa Bồng cho biết: “Dù công việc chở nguyên vật liệu xây dựng bận rộn đến đâu, tôi cũng không bỏ múa Bồng”. Anh kể: “Từ lúc mới thành lập Câu lạc bộ, nghệ nhân Triệu Đình Hồng đã trực tiếp hướng dẫn chúng tôi từng động tác; cách đưa tay ra sao, bước chân thế nào, ánh mắt từng người trong mỗi cặp làm sao phải ra cái thần "Con đĩ đánh bồng"... Ngày mới biểu diễn trước dân làng, chúng tôi rất xấu hổ, nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi ông Hồng động viên rằng, cần phải giữ hồn cốt truyền thống, thế là chúng tôi cố gắng. Giờ thì không ngại nữa, ai cũng thấy vinh dự khi được chọn biểu diễn trước dân làng”.
Anh Bùi Văn Hảo, thành viên Câu lạc bộ múa Bồng làng Triều Khúc cho biết: “Tôi đã tham gia Câu lạc bộ được 10 năm. Để được tham gia múa hầu Thánh, phải là nam giới chưa vợ, không có tang, nhân phẩm tốt, gia đình gia giáo, hòa thuận. Lúc trình diễn, người múa trang điểm giống con gái, đầu đội khăn gỗ ngoài chít khăn mỏ quạ màu đỏ tươi, mặc quần áo trắng, bên ngoài quần mặc thêm váy nhiễu màu đen chùng tới mắt cá chân, cổ quàng tấm lụa nhỏ có hình lá sen thêu hoa lá cách điệu (có những dải màu ngũ sắc rủ xuống), ngang lưng thắt tấm lụa dài màu xanh lục”.
Trải qua thăng trầm, điệu múa cổ vẫn được trai làng Triều Khúc gìn giữ, trở thành nét văn hóa rất riêng của người Hà Nội. Việc giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống được Triều Khúc coi trọng hàng đầu cùng với phát triển du lịch, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tân Triều nói riêng và huyện Thanh Trì nói chung.
Vùng quê giàu có, nhiều truyền thống
Theo cụ Triệu Khắc Sâm, 85 tuổi, làng Triều Khúc xưa có tên gọi là làng Đơ Thao nức tiếng với nghề dệt truyền thống. Tương truyền, cuối thế kỷ XVIII, vào thời Lê - Trịnh, ông Vũ Đức Úy được triều đình cử làm Phó sứ sang Trung Quốc và học được nghề dệt thao, khi về nước được vua phong chức, ông tổ chức dạy nghề cho dân làng Triều Khúc. Từ đó, Triều Khúc có nghề dệt. Nhiều hộ chuyên dệt the (áo the, quạt the); nghề dệt nái (yếm, bao thắt lưng); nghề nhuộm (áo, yếm, váy, thắt lưng). Rồi Triều Khúc còn có nghề làm guốc mộc. Cũng với đôi tay tài hoa khéo léo, các hộ dân làng Triều Khúc thu mua lông gà, lông vịt khắp nơi về làm phất trần… Nhờ nghề này, đời sống dân làng ổn định hơn làng quê khác trong vùng.
Xã hội phát triển, nhiều nghề thủ công truyền thống ở Triều Khúc tuy mai một nhưng nhờ một số hộ duy trì nên nghề được lưu giữ. Đặc biệt, một số nghề được lưu truyền trong các dòng họ: Hoàng Đình chuyên làm băng hiệu, tua cờ, mũ phục vụ lễ hội và quân đội; Nguyễn Hữu chuyên dệt thảm, trang trí nội thất được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hiện nay, làng Triều Khúc có 1 hợp tác xã công nghiệp dệt, 20 doanh nghiệp tư nhân sản xuất hơn 100 mặt hàng thủ công.
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Triều Đặng Ngọc Quyền, xã Tân Triều có 2 làng cổ là Triều Khúc và Yên Xá cùng 7 tổ dân phố. Đặc biệt, 2 làng cổ Yên Xá và Triều Khúc đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc.
Là xã có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, năm 2013, xã Tân Triều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2022, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2023, tiếp tục được đánh giá đủ điều kiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn xã hiện có 11.732 hộ dân, thu nhập bình quân năm 2023 đạt 89 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng 65%; thương mại, dịch vụ 35%; sản xuất nông nghiệp giảm, còn dưới mức 0,1% trong cơ cấu kinh tế toàn xã…
Dù có nhiều thay đổi song nét đẹp riêng có của làng quê truyền thống vẫn được chính quyền và Nhân dân Triều Khúc gìn giữ, phát huy. Hiện, xã có 10 di tích (gồm 2 chùa, 2 đình, 4 đền, 1 miếu, 1 nhà thờ giáo họ), 2 lễ hội truyền thống. Trong đó, lễ hội làng Triều Khúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2019.