Về “thủ phủ” nguồn năng lượng tái tạo

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với lưới điện luôn vận hành đầy và quá tải, nhiều giải pháp đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả, không để xảy ra sự cố đã được Truyền tải điện (TTĐ) Ninh Thuận triển khai trên địa bàn “nắng như phang, gió như rang”.

Khó nhưng không xảy ra sự cố

Lần đầu đến Ninh Thuận, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), tôi được theo chân anh em “lính truyền tải” đến Trạm biến áp 220kV Ninh Phước. Dọc đường đi, khi càng vào gần đến trạm, phóng tầm mắt ra 2 bên đường là cơ man những cột điện gió đan xen.

Kiểm tra thiết bị đuổi chim đảm bảo an toàn lưới điện. Ảnh: Khắc Kiên
Kiểm tra thiết bị đuổi chim đảm bảo an toàn lưới điện. Ảnh: Khắc Kiên

Vừa kiểm tra kỹ thuật, Trưởng kíp lưu động Ngụy Văn Khải cho biết, do đặc thù trạm 220kV Ninh Phước có vai trò quan trọng giải tỏa công suất các nguồn NLTT trên địa bàn nên các thiết bị luôn vận hành ở chế độ đầy tải, do đó, các ca trực của Trạm phải tăng cường theo dõi thiết bị, các điểm tiếp xúc, dao cách ly, máy cắt... Trạm cũng thường xuyên có nhiều chim đến làm tổ, để đảm bảo an toàn, chúng tôi đã tạo và lắp đặt thêm các thiết bị đuổi chim.

“Khi có lịch cắt điện, Trạm xin tăng cường bảo dưỡng thiết bị, rà soát các thiết bị, kiểm tra dây khi đóng điện và các giải pháp khác. Nhờ vậy, mặc dù Trạm vận hành ở chế độ đầy tải, quá tải nhưng chưa từng xảy ra sự cố nào” – anh Ngụy Văn Khải nói.

Về “thủ phủ” nguồn năng lượng tái tạo - Ảnh 1
Về “thủ phủ” nguồn năng lượng tái tạo - Ảnh 2
 

Ninh Thuận được mệnh danh là "thủ phủ" của nguồn năng lượng tái tạo (Cột điện gió của T&T Group ngay bên cạnh Trạm biến áp 220kV Ninh Phước). Ảnh: Khắc Kiên

Dưới chân những cột điện gió đang hoạt động, Giám đốc TTĐ Ninh Thuận Nguyễn Phùng Dũng thông tin, đơn vị đang quản lý vận hành 68,797km đường dây 500kV, 156,258km đường dây 220kV (gồm 45,364km đường dây mạch đơn, 107,323km đường dây mạch kép và 3,571km đường dây 4 mạch) và 2 trạm biến áp 220kV với tổng công suất 1.000MVA thuộc lưới điện truyền tải Quốc gia. Hiện đơn vị có 50 nhân sự, được bố trí tại 4 phòng chức năng và 3 đơn vị sản xuất (Đội TTĐ Phan Rang, Tổ thao tác lưu động Tháp Chàm và Tổ thao tác lưu động Ninh Phước).

Năm 2022, sản lượng điện thương phẩm thực hiện 362,61 triệu kWh; Sản lượng điện truyền tải 5,46 tỷ kWh, trong đó sản lượng giải tỏa từ các nhà máy NLTT đấu nối trực tiếp lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hơn 2,1 tỷ kWh với 14 nhà máy năng lượng mặt trời, 4 nhà máy điện gió với tổng công suất là 1.900MW.

Lưới điện truyền tải khu vực TTĐ Ninh Thuận quản lý luôn vận hành ở chế độ căng thẳng, đầy tải, quá tải tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác đảm bảo an toàn. Do đó, đơn vị phải kiểm soát thường xuyên các vị trí, điểm tiếp xúc nhiệt trên đường dây và trạm biến áp, đồng thời thường xuyên phát quang đảm bảo hành lang an toàn lưới điện.

Giám đốc TTĐ Ninh Thuận Nguyễn Phùng Dũng (giữa, áo trắng) cùng  với công nhân kiểm tra hệ thống điện. Ảnh: Khắc Kiên
Giám đốc TTĐ Ninh Thuận Nguyễn Phùng Dũng (giữa, áo trắng) cùng  với công nhân kiểm tra hệ thống điện. Ảnh: Khắc Kiên

“Trong năm 2022, với chủ động tính toán và phối hợp tốt giữa các nhà máy NLTT, truyền tải điện Ninh Thuận, PTC3 và các đơn vị điều độ nên lưới điện truyền tải do đơn vị quản lý được vận hành an toàn, ổn định và không xảy ra sự cố, góp phần giải tỏa công suất tối đa cho các nhà máy điện NLTT” – vị này thông tin.

Để có được kết quả này, TTĐ Ninh Thuận đã trực tiếp làm việc với từng nhà máy điện NLTT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đấu nối vào lưới điện truyền tải về công tác phối hợp đảm bảo vận hành an toàn cho các điểm đấu nối nói riêng và lưới điện truyền tải quốc gia nói chung.

Tiên phong ứng dụng công nghệ

Theo ông Nguyễn Phùng Dũng, để đảm bảo công tác vận hành lưới điện an toàn, đơn vị quán triệt đến tất cả các bộ phận phải nâng cao trách nhiệm, tính tuân thủ - một trong các giá trị cốt lõi của đơn vị. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp để áp dụng, trong đó đảm bảo hành lang an toàn lưới điện.

Do địa hình Ninh Thuận thời tiết nóng quanh năm, đơn vị đã chủ động thu gom, đốt thực bì và kiểm soát đảm bảo đường dây, những cây có khả năng vi phạm hành lang an toàn lưới điện thì chặt tỉa. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các điểm tiếp xúc, rà soát phát nhiệt bằng camera nhiệt, UAV soi phát nhiệt để phát hiện và xử lý nhanh các sự cố.

Giám đốc TTĐ Ninh Thuận Nguyễn Phùng Dũng cùng công nhân kiểm tra thông số kỹ thuật vận hành an toàn lưới điện. Ảnh: Khắc Kiên
Giám đốc TTĐ Ninh Thuận Nguyễn Phùng Dũng cùng công nhân kiểm tra thông số kỹ thuật vận hành an toàn lưới điện. Ảnh: Khắc Kiên

“Đơn vị rất chú trọng công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đào tạo đội ngũ trực tiếp vận hành, chú trọng đào tạo từng Tổ, Đội nắm được các quy trình, thực hiện đúng nghiệp vụ và ứng dụng chuyển đổi số theo chỉ đạo của EVN và EVNNPT” - ông Nguyễn Phùng Dũng nói.

Ông Nguyễn Phùng Dũng tự hào khi là một trong những đơn vị tiên phong việc ứng dụng phiếu kiểm tra điện tử, loại bỏ phiếu kiểm tra bằng giấy truyền thống; trang bị camera giám sát đường dây và sử dụng UAV trong công tác quản lý vận hành đường dây. Đây là công nghệ tiên tiến, giúp giảm sức người, phát hiện chính xác vị trí xảy ra sự cố và xử lý nhanh chóng.

Đối với công tác quản lý vận hành trạm biến áp, đơn vị tổ chức học tập, huấn luyện quy trình đầu năm, duy trì công tác đào tạo và tự đào tạo để nâng cao trình độ kiến thức cho toàn bộ nhân viên các Tổ thao tác lưu động Ninh Phước, Tháp Chàm; tổ chức diễn tập công tác xử lý sự cố, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp truyền tải điện và tổ chức thi chức danh vận hành cho nhân viên các Tổ thao tác lưu động Ninh Phước, Tháp Chàm.

Chấp hành nghiêm túc việc thực hiện công tác kiểm tra định kỳ thiết bị theo đúng quy trình quy định đối với trạm biến áp không người trực; Ứng dụng phần mềm “iStations” trong kiểm tra thiết bị và kết hợp với kiểm tra thiết bị bằng phiếu kiểm tra onilne; Tăng cường kiểm tra thiết bị, phát hiện và xử lý kịp thời các bất thường xảy ra đảm bảo thiết bị luôn vận hành an toàn, tin cậy; Kiểm tra phát nhiệt định kỳ, kịp thời phát hiện và xử lý một số điểm bất thường có nhiệt độ tăng cao.

Ngoài ra, đơn vị còn phát động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa trong lao động sản xuất, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị trong công ty, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ góp phần nâng cao hiệu quả trong công việc cũng như trong công tác quản lý vận hành lưới điện. Trong năm 2022, TTĐ Ninh Thuận đã có 2 sáng kiến được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia công nhận.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi số của EVN và EVNNPT, 100% tài liệu kỹ thuật của đường dây và trạm biến áp của đơn vị đã được số hóa toàn bộ. Đơn vị đã trang bị 4 UAV và 6 camera giám sát phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện; lắp đặt thử nghiệm camera giám sát nhiệt độ tại Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm.

Bên cạnh đó, sử dụng phiếu kiểm tra điện tử tại các trạm biến áp và trên đường dây để kiểm tra vận hành. Tại các trạm biến áp còn áp dụng kiểm tra thiết bị bằng thiết bị thông minh theo đề tài của PTC3 và áp dụng sổ nhật ký vận hành điện tử trong vận hành. Áp dụng giải pháp kiểm tra, giám sát an toàn công việc trên lưới điện bằng hình ảnh, sử dụng đèn cảnh báo ban đêm thay cho cờ phân biệt mạch có điện và không có điện.

Đơn vị cũng đã ứng dụng mã QR code tại tất cả các tủ bảng thiết bị trạm biến áp và có sổ QR code đối với các đường dây; QR code để quản lý vật tư, công cụ dụng cụ,… Xây dựng ứng dụng để đưa tín hiệu chuông cảnh báo từ hệ thống máy tính điều khiển trạm biến áp (HMI) lên điện thoại smartphone.

Nhờ áp dụng các biện pháp đồng bộ, nhất là ứng dụng KHCN, chuyển đổi số vào quản lý vận hành, trong năm 2022, Truyền tải điện Ninh Thuận là một trong 3 đơn vị của PTC3 vận hành an toàn, không để xảy ra sự cố, góp phần giải tỏa công suất NLTT.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần