Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Về với trò chơi truyền thống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các trò chơi làm đèn kéo quân, đèn ông sao, tiến sĩ giấy, nặn bánh dẻo… bỗng “đắt khách” với trẻ em Thủ đô trong mùa Trung thu năm nay.

Các hoạt động mang hơi thở của Trung thu truyền thống lại trở về sau những năm tháng tưởng chừng bị lãng quên.

Hơn 10 điểm hẹn

Hơn 2 tuần trước khi diễn ra Trung thu, trong không gian của phố đi bộ Hàng Buồm, từng đứa trẻ say mê với điệu múa lân, múa rồng chào Trung thu; Du khách quốc tế tò mò, thích thú với cách làm trò của các ông địa, ngả nón xin tiền lẻ theo văn hóa lấy may của người Việt… Những chiếc bờm lòe loẹt, những bộ cánh tiên của Trung Quốc bày bán trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào bỗng trở nên lạc lõng giữa những không gian Trung thu thuần Việt nơi Phố cổ.
Hướng dẫn trẻ nặn tò he tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. 	Ảnh: Phạm Hùng
Hướng dẫn trẻ nặn tò he tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
Mùa Trung thu năm 2015 này, tại Hà Nội, không chỉ có Bảo tàng Dân tộc học là điểm hẹn của các trò chơi truyền thống; mà không gian của trước cửa chợ Đồng Xuân, đình Kim Ngân, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam… đã trải chiếu cho các trò chơi làm đèn kéo quân, đèn ông sao, tiến sĩ giấy, diều giấy, nặn bánh dẻo, vẽ mặt nạ, nặn tò he… “lên tiếng”. Trước Trung thu một tuần, các địa điểm bắt đầu mở cửa tổ chức các hoạt động, nhưng nơi đâu cũng quá tải. Tại Bảo tàng Hà Nội ngày 20/9, dự kiến đón tiếp 300 cháu tham gia trải nghiệm các trò chơi truyền thống. Thế nhưng khoảng 10 giờ sáng không gian hơn ngàn m2 của khu trong nhà Bảo tàng như “vỡ trận” vì số lượng phụ huynh và các cháu tham gia quá đông. Trên mỗi manh chiếu cói đỏ, phụ huynh và các cháu nhỏ say mê cắt giấy bóng kính xanh đỏ… dán đèn ông sao, làm tiến sĩ giấy.

Ông Nguyễn Tiến Đà – Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Hà Nội cho biết: “Năm nay, chúng tôi mời 6 nghệ nhân phố Hàng Than chuyên làm mặt nạ truyền thống, 2 nghệ nhân CLB sáo diều Thanh Oai, 2 nghệ nhân nặn tò he ở Xuân La… đến hướng dẫn công chúng tham gia các hoạt động. Năm thứ 2 tổ chức và là năm đầu làm quy mô lớn nên chúng tôi không ngờ trò chơi truyền thống lại có sức hút như thế. Từ năm sau, Bảo tàng sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động này trở thành điểm nhấn. Là đơn vị đi sau nên chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động khác biệt, không tính “sao chép” hình thức tổ chức của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam”. Lễ hội Trung thu truyền thống còn tiếp diễn tại Bảo tàng Hà Nội trong ngày 26/9 (tức 14/8 âm lịch) với thi đốt hạt bưởi, bày mâm cỗ Trung thu…

Lại sống được bằng nghề

Gặp nghệ nhân sáo diều Nguyễn Văn Quyền (Thanh Oai) tất tả “chạy sô” hết Bảo tàng Dân tộc học đến Bảo tàng Hà Nội trong nét mặt mệt nhưng vẫn vui tươi. Nghệ nhân hơn 70 tuổi này tâm sự: “Năm nay tôi có rất nhiều nơi mời đến thể hiện, dạy các cháu làm sáo diều”. Sự đổi thay trong sở thích của các em nhỏ được ông Quyền nhận thấy không chỉ hiện hữu nơi phố phường đông đúc, mà cả nơi thôn làng quê ông. “Những năm trước, bọn trẻ quê tôi cũng chê ỏng chê eo sáo diều. Chúng thích ô tô, kiếm, đèn nhấp nháy có nhạc của Trung Quốc. Nhưng năm nay, có những gia đình dành cả ngày cùng con làm diều, làm đèn kéo quân để đem ra khoe ngày rằm”.

Chị Lê Thị Hà (Xuân La, Phú Phương Dực, Phú Xuyên) cho biết: “Nếu như 4 năm trước, người dân bỏ nghề nặn tò he ra phố làm bốc vác, làm giúp việc, người năng động thì đi lao động nước ngoài, thì 4 năm nay, nghề truyền thống của làng bỗng nhiên có đất sống. Quá nửa số dân làng quay trở lại làm nghề. Sáng sáng, mọi người nườm nượp chở nhau lên TP đến các tụ điểm công cộng mở thùng xốp, bày hàng nặn tò he bán”. Ngày cao điểm, chị Hà thu nhập được 500.000 - 1 triệu đồng từ công việc này. Những con tò he trên sạp hàng hôm nay không còn đơn giản là bông hoa hồng, con rồng, con lân hay con chuột theo truyền thống, người làm tò he biết “cập nhật” nặn siêu nhân, công chúa Elsa, Minion… theo các bộ phim hoạt hình đang “hot”.

Không khí Trung thu đã rộn ràng về từng ngõ phố, căn nhà nhưng càng trở nên ý nghĩa hơn khi trên mâm cỗ ngày rằm ấy lại lấp lánh chiếc đèn ông sao, chiếc bánh dẻo do chính tay các em nhỏ cùng bố mẹ chuẩn bị.
Tại 50 Đào Duy Từ và 42 - 44 Hàng Bạc, từ 24 đến 27/9, Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức các chương trình múa rối cạn của làng Tế Tiêu, làm đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, diều giấy, tàu thủy…
Trong hai ngày 26 và 27/9, tại Bảo tàng Dân tộc học, các em nhỏ sẽ được khám phá văn hóa vùng sông nước Cần Thơ, với những trò chơi dân gian như: Nhập khỉ, gánh lúa qua cầu, quay ốc của người Khơmer; Nặn tò he, nặn hoa quả bột, cắt tỉa hoa quả và bày mâm cỗ Trung thu; làm các loại đèn hình ông sao, đèn con thỏ, đèn kéo quân…
Tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động “Vui Tết Trung thu” với các trò chơi dân gian truyền thống như: Khéo tay nhanh mắt, từ bàn tay em, rồng rắn lên mây.