70 năm giải phóng Thủ đô

Vé xe buýt: 10 năm mới tăng giá

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2014 đến nay, sau 10 năm giá vé xe buýt mới được điều chỉnh tăng. Đây là hành động cần thiết để giảm gánh nặng cho ngân sách TP, đồng thời tạo điều kiện nâng cao chất lượng loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chủ lực này.

Thu nhập đã tăng 75%

Hà Nội hiện có tổng số 153 tuyến buýt đang khai thác, vận hành; trong đó 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. Xe buýt đang đáp ứng gần 20% nhu cầu đi lại của Nhân dân Thủ đô.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, giá vé đang áp dụng cho xe buýt có trợ giá đã được ban hành từ năm 2014. Đến nay sau gần 10 năm, mọi chi phí đầu vào của xe buýt như: nhiên liệu, nhân công, phương tiện… đều đã tăng mạnh. Đơn giá trung bình cho mỗi cây số vận hành của xe buýt đã tăng gần 47%. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội cũng đã tăng 75%.

Dự kiến mức giá vé mới của xe buýt được áp dụng từ ngày 1/11 tới đây.
Dự kiến mức giá vé mới của xe buýt được áp dụng từ ngày 1/11 tới đây.

Trên thực tế, xe buýt là loại hình VTHKCC không đặt mục tiêu lợi nhuận, nên mới có chính sách hỗ trợ giá vé nhằm tác động để người dân từ bỏ phương tiện cá nhân, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, ngân sách TP Hà Nội đang hỗ trợ 50% vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, DN ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.

Hà Nội cũng đã áp dụng chính sách miễn tiền vé xe buýt cho người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo. Hiện mỗi năm Hà Nội phải chi cả nghìn tỷ đồng cho trợ giá xe buýt, đây là gánh nặng không nhỏ đối với ngân sách TP.

Có thể thấy, với giá vé rẻ, xe buýt đã thu hút đông đảo người dân sử dụng. Nhưng  gánh nặng đối với ngân sách theo đó cũng ngày càng trầm trọng hơn. Mặt khác, giá vé xe buýt quá thấp cũng gây rất nhiều khó khăn cho DN và nhất là người lao động trên các tuyến buýt.

Nhiều DN đang khai thác loại hình xe buýt đã chia sẻ về những khó khăn thực tế ngày càng chồng chất trong suốt thời gian qua. Doanh thu thấp khiến cho mức lương của lái, phụ xe buýt không đảm bảo cuộc sống.

Nhiều người chỉ coi nghề nghiệp đang làm là “tạm bợ”, không muốn cống hiến hết mình, khiến nhân sự trong lĩnh vực này rơi vào tình trạng chắp vá, bất ổn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ.

Mức tăng của vé xe buýt không quá ảnh hưởng đến nhiều người.
Mức tăng của vé xe buýt không quá ảnh hưởng đến nhiều người.

TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân chia sẻ: “Chi phí cho đi lại bằng phương tiện VTHKCC nên ở mức dưới 10% trên tổng thu nhập của người dân, như vậy sẽ đủ hấp dẫn. Tỷ lệ này ở xe buýt Hà Nội khá thấp, mới chỉ đạt từ 1 - 5%, có cơ sở để tăng thêm nữa mà vẫn phù hợp với khả năng chi tiêu của người dân”.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, việc xây dựng khung giá vé xe buýt hiện nay chưa hợp lý, tuyến dài cũng tương đương tuyến ngắn dù chi phí cao hơn. Mặt khác doanh thu và lợi nhuận xe buýt quá thấp cũng khó thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực VTHKCC. Do đó việc tăng giá vé xe buýt vào thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng, tích cực đối với cả mạng lưới VTHKCC lẫn người dân, hành khách.

Mức tăng phù hợp

Theo phương án do Sở GTVT Hà Nội đề xuất, sẽ có 5 khung giá vé lượt xe buýt: dưới 15km là 8.000 đồng/hành khách/lượt; từ 15 - 25km: 10.000 đồng/hành khách/lượt; từ 25 - 30km: 12.000 đồng/hành khách/lượt; 30 - 40km: 15.000 đồng/hành khách/lượt; 40km trở lên 20.000 đồng/hành khách/lượt.

Vé tháng ưu tiên học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp là 70.000 đồng/tuyến; 140.000 đồng/liên tuyến. Vé không ưu tiên mua theo tập thể là 100.000 đồng/tuyến; 200.000 đồng/liên tuyến. Vé không ưu tiên mua theo cá nhân là 140.000 đồng/tuyến; 280.000 đồng/liên tuyến.

Các chuyên gia cho rằng phương án giá vé xe buýt mới được đưa ra áp dụng vào thực tế sẽ tác động không lớn đến hành khách. Với vé lượt nội đô, nơi có nhu cầu đi lại cao nhất, mức tăng chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/vé, đồng nghĩa với chi phí sử dụng xe buýt của người dân chỉ tăng dưới 100.000 đồng/tháng.

Với phương án giá vé tháng, mức tăng cũng chỉ vài chục nghìn đồng/tháng, hầu như không tạo thành ảnh hưởng gì với người dân. Chị Chu Thị Lan Anh (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) cho biết: “Mức tăng giá vé xe buýt quả thật không khiến tôi quan tâm mấy vì không nhiều. Điều tôi quan tâm là sau khi tăng giá, chất lượng xe buýt có được duy trì, và nâng cao hơn nữa hay không?”. 

Bà Nguyễn Thị Hải (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cho hay: “Theo mức giá mới công bố, mỗi tháng tôi sẽ phải trả thêm 80.000 đồng tiền vé tháng xe buýt. Thực sự số tiền đó không ảnh hưởng gì đến tôi cả. Tôi sẽ tiếp tục sử dụng xe buýt như bình thường. So với taxi, xe ôm thì quá rẻ rồi”.

Với nhóm sinh viên, cán bộ, công nhân viên, những người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc tăng giá vé xe buýt, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá vé xe buýt đối với mỗi cá nhân không tạo thành ảnh hưởng gì đáng kể.

Sinh viên Hoàng Thị Thùy Linh (Học viện Báo chí và tuyên truyền) chia sẻ: “Mỗi người mỗi tháng chỉ tăng thêm vài chục nghìn đồng, nhưng hàng trăm nghìn người sẽ tạo thành nguồn thu đáng kể cho các DN xe buýt. Tôi hy vọng đây là nguồn lực tích cực để các tuyến buýt cải thiện chất lượng, phục vụ hành khách tốt hơn nữa”.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, mức tăng giá vé xe buýt như Hà Nội vừa công bố vẫn đảm bảo nhóm người thu nhập thấp có thể tham gia VTHKCC bằng xe buýt; giữ vững lợi thế cạnh tranh với các loại hình vận tải khác; đảm bảo phù hợp và công bằng cho hành khách giữa các tuyến ngắn và dài.

Dự kiến mức giá vé mới của xe buýt được áp dụng từ ngày 1/11 tới đây.