Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẹn cả đôi đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lương thực tập từ 2 đến dưới 3 triệu đồng/tháng; có đến 80% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay. Đó là kết quả khi gắn đào tạo với việc làm đã được một số trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) thực hiện. Tuy nhiên, mối liên kết này đang gặp trở ngại.

Hiệu quả thấy rõ

Đào tạo gắn với việc làm - tức là nhà trường thiết lập mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp (DN) - đã được một số trường như CĐ nghề Cơ khí nông nghiệp, CĐ nghề Việt Nam - Singapore, CĐ nghề Mỏ Hồng Cẩm… thực hiện hiệu quả. Trong quá trình đào tạo, học viên được phân công thực tập tại các DN và được DN "chấm" khi đang còn trong thời gian học tại trường. Thậm chí, một số DN hỗ trợ nhà trường kinh phí đào tạo. Sau khi tốt nghiệp, học viên được DN nhận vào làm công việc phù hợp với chuyên môn.

 
Vẹn cả đôi đường - Ảnh 1
Tại hội thảo "Gắn trường học với việc làm: Những cách tiếp cận ở Italia và Việt Nam" vừa diễn ra, các chuyên gia giáo dục cho rằng, mối quan hệ nhà trường - DN giúp trao đổi thông tin về nhu cầu đào tạo, DN tham gia với trường xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra, đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp; hướng nghiệp, tư vấn nghề và giới thiệu việc làm; liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN.     

GS Nguyễn Minh Đường - thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực Việt Nam khẳng định: "Khi có sự liên kết giữa hai bên, sinh viên ra trường có cơ hội tìm được việc làm và thích ứng rất nhanh, không phải đào tạo lại". Đồng quan điểm, ông Đàm Văn Hường - Hiệu trưởng CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, mô hình đào tạo gắn trường học với việc làm được nhà trường thực hiện từ tháng 2/2011 đến nay. Nhà trường có liên hệ chặt chẽ với nhiều DN thương mại và du lịch để sinh viên thực tập. Cụ thể, DN cho SV đến thực tập một buổi/ngày thông qua những nội dung được học; hỗ trợ chi phí thực tập từ 2 đến dưới 3 triệu đồng/tháng. Mô hình liên kết này, giúp các em có nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn học chương trình đào tạo đại trà. 70 - 80% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay, lương tháng từ 3,5 - 4 triệu đồng, có em tay nghề tốt thu nhập lên tới 8 triệu đồng/tháng.  

 
Sinh viên Khoa Công nghiệp - Cơ điện tử trường Cao đẳng nghề Hà Nội thực hành lập trình vi điều khiển.  Ảnh:  Thanh Hải
Sinh viên Khoa Công nghiệp - Cơ điện tử trường Cao đẳng nghề Hà Nội thực hành lập trình vi điều khiển. Ảnh: Thanh Hải
Chờ chính sách cụ thể

Hiệu quả là vậy, song hầu hết các trường đang gặp khó khăn khi áp dụng mô hình gắn đào tạo với việc làm. Luật Dạy nghề đã có chủ trương xây dựng quan hệ chặt chẽ giữa cơ quan quản lý về giáo dục đào tạo với cơ quan quản lý nhân lực và việc làm; giữa cơ sở đào tạo với cơ sở sử dụng nhân lực. Sở dĩ việc liên kết gặp khó khăn là bởi chưa có chính sách để khuyến khích mối quan hệ giữa hai bên. Như GS Nguyễn Minh Đường phân tích: "Hiện, các trường công lập đang được Nhà nước bao cấp để tồn tại; các DN quốc doanh vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, hoạt động theo nhiệm kỳ nên chưa có tầm nhìn lâu dài. Thêm nữa, chương trình khung đào tạo nghề dài hạn với trên 85% nội dung cứng chưa phù hợp với nhu cầu của các DN cũng là lý do khiến cả hai bên chưa chủ động và sáng tạo ".

Do vậy, nhiều chuyên gia đề nghị Nhà nước ban hành chính sách cụ thể và đồng bộ để khuyến khích mối quan hệ giữa DN và nhà trường. Đối với chương trình đào tạo nghề, Bộ GD&ĐT chỉ nên ban hành khung gồm những kiến thức gì, đầu ra thế nào, nhà trường chủ động xây dựng nội dung chương trình thích ứng với đào tạo và việc làm của DN. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có cơ chế đầu tư hơn nữa cho các trường đào tạo nghề về trang thiết bị, cơ sở thực hành. "Cơ sở thực hành phải đáp ứng yêu cầu thực tế, tránh tình trạng không phù hợp để khi ra trường các em lại mất thêm thời gian đào tạo lại trong khi DN không muốn điều đó" - ông Hường đề xuất. Hơn nữa, với mức chi ngân sách cho giáo dục 20% khó có thể đầu tư hơn nữa cho các trường nghề, vì vậy các trường muốn được thực hiện xã hội hóa bằng việc thu học phí của người học đáp ứng đủ yêu cầu đào tạo.