Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VEPR dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6 - 6,3% năm 2021

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/4, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tọa đàm Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I năm 2021. Báo cáo do VEPR thực hiện nêu nhận định: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức 6,0 - 6,3%.

 Ảnh minh họa

Theo nhóm nghiên cứu VEPR, nền kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn hàm chứa nhiều bất ổn và thiếu sự đồng đều giữa các quốc gia và lĩnh vực kinh tế. Trong nước, kinh tế quý I/2021 tăng trưởng 4,48% so với quý IV/2020, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020 (3,82%).

Trong quý I/2021, cả nước có 29,3 ngàn DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 447,8 ngàn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 245,6 ngàn, giảm 1,4% về số DN, tăng 27,5% về vốn đăng ký và tăng 0,8% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, song dự kiến sẽ tăng nhanh bắt đầu từ tháng 4 này.

Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng bao gồm: Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn sớm, giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước; kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức chấp nhận được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Bên cạnh những điểm tích cực, VEPR cũng cho rằng Việt Nam đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc. Cụ thể, sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong toả tiếp tục kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021 khiến sức chịu đựng của DN ngày càng yếu hơn; Xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.

Bên cạnh đó, VEPR còn cho rằng điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ những rủi ro nội tại như: Mất cân đối tài khoá lớn; Tốc độ và mức đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng còn chậm và cho hiệu quả quản lý thấp; Sức khoẻ hệ thống ngân hàng - tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; Sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI; thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu…

Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động lên nền kinh tế Việt Nam, VEPR nhận định: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức 6,0 - 6,3%. 

VEPR khuyến nghị tiếp tục ưu tiên các chính sách xã hội cho người dân, DN. Việc ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho DN như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai, bên cạnh đó cần cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ DN. Với nhóm DN không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành. Trong trường hợp có các ý tưởng chính sách để hỗ trợ đặc biệt cho các DN cụ thể, thì các chính sách này cần đi theo hướng kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ của hãng, thay vì tài trợ trực tiếp cho hãng. Với chính sách tiền tệ, cần lưu ý tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Chính sách tiền tệ cần lưu ý cân đối giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, vì năm 2021 có thể có rủi ro lạm phát.