Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VFA kiến nghị hủy toàn bộ tờ khai xuất khẩu gạo "khống" của doanh nghiệp

Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những bất thường trong việc đăng ký tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có báo cáo và kiến nghị hủy toàn bộ những tờ khai khống của một số công ty nhằm tranh thị phần xuất khẩu gạo của nhiều doanh nghiệp khác.

Ngày 15/4, VFA đã có báo cáo và về việc khai báo hải quan của các hội viên VFA là thương nhân xuất khẩu gạo, sau khi quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4 của Bộ Công Thương về hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 là 400.000 tấn, có hiệu lực từ lúc 0h ngày 11/4.

Trước đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trong tháng 4 là 400.000 tấn gạo, nhằm giải cứu các doanh nghiệp kinh doanh gạo. Ngày 10/4, Bộ Công Thương có quyết định quyết định 1106 nêu trên.
 Sự bất thường của 1 doanh nghiệp được xuất gần 100.000 tấn gạo và 2 doanh nghiệp ''xù'' hợp đồng với Tổng cục Dự trữ quốc gia nhưng vẫn đăng ký tờ khai hải quan thành công và xuất được hàng chục nghìn tấn gạo!
Do đó ngay từ tối 11/4, nhiều doanh nghiệp đã cắt cử nhân viên ngồi “canh” phần mềm điện tử của Tổng cục Hải quan mở để lập tờ khai hải quan như trường hợp Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An - PV).
Đến sáng 12/4, hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã không thể vào website của Tổng cục Hải quan để đăng ký tờ khai, theo các doanh nghiệp, ngay từ lúc 0 giờ cùng ngày cho đến 3 giờ sáng, số lượng gạo đăng ký tờ khai xuất khẩu đã đạt mốc 399.999,73 tấn, đạt trên 99,99%.
Cá biệt, trong số 40 doanh nghiệp đăng ký thành công tờ khai hải quan xuất khẩu gạo lại có cả những công ty trước đó đã “xù hợp đồng” với Tổng cục Dự trữ Nhà nước, như: Công ty TNHH Phát Tài đăng ký xuất thành công 13.630 tấn, Công ty cổ phần Mỹ Tường xuất tới 10.650 tấn! Đặc biệt, Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex đăng ký xuất khẩu thành công vài trăm tờ khai hải quan với số lượng lên tới 96.234 tấn (gần bằng 1/4 số lượng gạo Chính phủ cho phép xuất khẩu.
Từ sự bất thường trong việc tổ chức cho đăng ký tờ khai hải quan trên website, hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã phải kêu cứu đến Thủ tướng với lý do được đưa ra đã có “lợi ích nhóm” trong kê khai hải quan. Trong khi Tổng cục Hải quan cho rằng việc đăng ký tờ khai từ 0 giờ ngày 12/4 đến 19 giờ 34 phút cùng, đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 Chi cục Hải quan.
Trước kêu cứu của doanh nghiệp là hội viên, VFA không nhận được thông tin chính thức từ cơ quan có trách nhiệm về thời gian mở phần mềm đăng ký tờ khai. Thậm chí Sở Công Thương tỉnh Long An vào ngày 13/4, đã ban hành văn bản khẳng định Tổng cục Hải quan khi cho khai hải quan đã không thông tin rộng rãi, nên rất ít doanh nghiệp biết để lập tờ khai.
 Công văn của Bộ Công thương hỏi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xuất khẩu gạo nếp.
Do đó, lãnh đạo VFA đưa ra nhiều kiến nghị giải quyết, trong đó cần giải tỏa toàn bộ lượng gạo hàng hóa đã nằm tại các cảng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục khai các đơn hàng còn đang khai dở; đồng thời cần cho thông quan toàn bộ số lượng gạo hàng hoá đang nằm tại các cảng để tránh thiệt hại cho thương nhân.
Ngoài ra, VFA cũng kiến nghị tiếp tục cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo hữu cơ với số lượng không giới hạn. Vì loại gạo này không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cần xem xét, phân luồng xanh và vàng cho những lô hàng đã nằm cảng để được thông quan nhanh chóng. Đồng thời với phân luồng, xanh, vàng là phân luồng đỏ nhằm kiểm soát chặt, minh bạch đối với những tờ khai nghi ngờ “khai khống” nhằm xí phần xuất khẩu gạo.
Đối với hạn mức 400.000 tấn gạo được mở tờ khai vào lúc 0 giờ ngày 12/4, VFA kiến nghị các giải pháp sau đây: Đối với hàng container, cần kiểm hóa thực tế đối với các thương nhân đã truyền tờ khai hải quan, kiểm số container, số seal thực tế của container hàng có đúng với số container, số seal đã được truyền qua mạng để mở tờ khai hay không?
Qua kiểm tra sẽ phát hiện ngay thương nhân nào “khai khống”, từ đó hủy toàn bộ tờ khai hải quan “khống” hoặc không có tàu tại phao, không xuất trình được hàng hóa, và thay vào hạn ngạch bị hủy bằng những lô hàng đã nằm cảng của các doanh nghiệp đăng ký tờ khai hải quan chưa thành công; các cơ quan có thẩm quyền cần áp dụng biện pháp chế tài đối với các thương nhân đã truyền tờ khai nhưng xuất trình không đúng, không đủ lượng hàng, số container và số seal của container đã đóng xong hàng như khai báo; Phối hợp với các cảng (nếu có thể) để nắm bắt số lượng các container tồn bãi của từng thương nhân và tiến hành các thủ tục nghiệp vụ hải quan để thông quan.
Cuối cùng, VFA đề nghị Tổng cục Hải quan cần công khai, có văn bản cụ thể gửi Cục hải quan các địa phương, các Chi cục Hải quan các cửa khẩu và thương nhân biết để thực hiện công bằng như quyết định của Bộ Công Thương.
Liên quan đến hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020. Ngày 15/4, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “xuất khẩu gạo nếp”. Văn bản của Bộ Công thương hỏi gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia hay không? Tác động, ảnh hưởng của gạo nếp được trồng tại tỉnh Long An và An Giang đối với an ninh lương thực quốc gia? Diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến (quy gạo) của gạo nếp tại tỉnh Long An và An Giang theo từng vụ? Để xuất, kiến nghị đối với xuất khẩu gạo nếp trong thời gian tới?
Liên quan đến loại gạo nếp, trước đó tại cuộc họp với Đoàn kiểm tra liên ngành gồm nhiều Bộ, ngành và TP Hồ Chí Minh, các tỉnh/thành vùng ĐBSCL, đại diện tỉnh Long An và An Giang đã có ý kiến cần cho xuất khẩu gạo nếp, vì gạo này không có nhu cầu cho an ninh lương thực.