Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi môi trường không khói thuốc Khói thuốc lá chứa 4.000 loại hóa chất Theo WHO, mỗi năm, thế giới có 5 triệu người tử vong vì thuốc lá, nhiều hơn số tử vong do tai nạn, bị lao và AIDS cộng lại. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, sau 25 năm nữa, con số này sẽ là 10 triệu ca; 2/3 trong số đó thuộc các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, Việt Nam nằm trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Có 15,3 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá (trung bình 2 nam giới có 1 người hút thuốc), 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà, 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà. Các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hơn 40.000 người tử vong hàng năm, tương đương với khoảng 100 người chết mỗi ngày, trong đó, 22% ca tử vong ở nam giới và 9,5% ca tử vong ở nữ giới. Vì sao thuốc lá gây hại đến vậy? Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, trong khói thuốc lá có hơn 4.000 hóa chất, trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe, bao gồm chất gây nghiện, các chất gây độc và 43 chất được biết là nguyên nhân gây ung thư. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim gây suy thoái giống nòi do làm giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ. Khoa học chứng minh rằng, tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 đến 8 năm. Không chỉ gây bệnh, thuốc lá còn gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho xã hội. Mỗi năm, một người có hút thuốc ở Việt Nam chi gần 700.000 đồng cho thuốc lá. Với 12 triệu người hút, mỗi năm cả nước tốn hơn 8.200 tỷ đồng cho mặt hàng này. Trong khi số tiền đó đủ để mua lương thực nuôi sống 10,6 triệu người. Thêm nữa, một khảo sát gần đây cho thấy, chi tiêu cho thuốc lá ở nước ta cao gấp 3,6 lần phí tổng học hành, gấp 2,5 lần mức chi cho quần áo và gần gấp đôi mức chi cho khám chữa bệnh. Tăng cường xử lý vi phạm Thông điệp của Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay là “Hãy thực hiện in bao bì thuốc lá trơn” nhằm mục đích làm giảm tính hấp dẫn của các sản phẩm thuốc lá đối với người tiêu dùng, bao gồm việc giới hạn hoặc cấm sử dụng các logo, màu sắc, biểu tượng, nhãn mác hoặc các thông tin quảng cáo trên vỏ bao thuốc lá. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, các biện pháp này nhằm ngăn chặn việc sử dụng các biện pháp đóng gói và nhãn mác nhằm quảng cáo cho sản phẩm. Đồng thời giúp cho các cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá được chú ý và dễ nhận diện hơn. Nhân dịp này, WHO khuyến cáo Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi môi trường không khói thuốc. “Bên cạnh đó, Việt Nam cần thành lập nhóm hành động hoặc thanh tra chuyên ngành, chuyên giám sát việc thực hiện môi trường không khói thuốc và thiết lập đường dây nóng phản ánh vi phạm sẽ giúp Việt Nam thực hiện được mục tiêu trên” - bà Phạm Quỳnh Nga - chuyên gia Văn phòng WHO nhấn mạnh. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, tới đây, ngành y tế sẽ phối hợp liên ngành trong công tác tuyên truyền, kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm qui định theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá. Ảnh: Đình Nam |
Sáng 30/5, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai Kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá năm 2016 và hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5. Tới đây, Sở sẽ tăng cường kiểm tra các đơn vị về việc thực hiện môi trường không khói thuốc. Cùng ngày, tại Bệnh viện Việt Đức, Bộ Y tế đã mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc. |