Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì một mùa hè an toàn cho trẻ

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày mai (27/5), Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp quốc gia 2018 diễn ra tại Phú Thọ.

Với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, nhiều hoạt động gặp gỡ, hội thảo, diễn đàn… dự kiến được tổ chức từ 1/6 đến 30/6 hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc xây dựng một môi trường mạng an toàn đối với trẻ. 
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Nhìn lại những năm qua có thể thấy, bằng những nỗ lực mang tính tập trung, những hoạt động hướng tới việc thực hiện chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ mang tính cấp thiết của thời điểm đó. Điều này được chứng minh bằng kết quả của các Tháng hành động vì trẻ em trước đó với các chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” năm 2017; "Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em" năm 2016…

Qua chủ đề được chọn cho các Tháng hành động vì trẻ em, có thể thấy sự quan tâm tập trung thực hiện những vấn đề cấp bách, mang tính thời sự trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ. Chủ đề được chọn năm 2018 này cũng vậy, đặc biệt có ý nghĩa với trẻ ở đô thị - nơi các hoạt động trong môi trường công nghệ số phát triển, tác động không nhỏ đến đời sống cả về thể chất lẫn tinh thần. Có thể nói, các cơ quan chức năng đã chọn một chủ đề đúng, trúng trong thời điểm hiện tại.

Ở một góc nhìn khác, việc thực hiện các hoạt động tập trung, nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết, thời sự… trong Tháng hành động vì trẻ em, luôn hướng tới cái đích lâu dài là việc tạo lập môi trường sống an toàn cho trẻ trên mọi phương diện. Đây có thể coi là mục tiêu xuyên suốt, đồng thời là nền tảng cơ bản để thực hiện những vấn đề mang tính thời sự được xác định trong chủ đề mỗi năm. Điều này cũng có thể thấy rõ khi kế hoạch thực hiện mỗi năm luôn nhắc tới mục tiêu “một mùa hè an toàn cho trẻ”.

Để có một mùa hè an toàn cho trẻ, câu hỏi mà chúng ta luôn tìm lời đáp là làm sao để những ngày hè, trẻ được bảo đảm an toàn. Bởi đã nhiều mùa hè, chúng ta luôn nhắc nhau tổ chức tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền cơ sở, các tổ chức, đoàn thể trong quản lý, giám sát, hướng dẫn để trẻ em có thể vui chơi an toàn, lành mạnh, phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Ở một góc độ khác, việc bảo đảm một mùa hè an toàn cho trẻ còn là lời nhắc người lớn về những nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Cũng có nghĩa, muốn trẻ chơi an toàn, phải có những sân chơi an toàn, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Không phải ngẫu nhiên mà chuyên gia tâm lý TS Nguyễn Thị Ngọc Minh đưa ra 4 yếu tố để trẻ có một sân chơi an toàn: Trước hết, cần có 1 cái “sân” - một không gian đủ rộng, an toàn, đa dạng để trẻ tò mò và tự do khám phá. Thứ nữa là cần có chơi, tức là các dụng cụ, môi trường, hoạt động để trẻ có thể tương tác. Thứ ba là có bạn chơi và thứ tư là có thời gian chơi. 4 yếu tố ấy chợt khiến gợi nhớ lại một sân chơi an toàn cho những đứa trẻ giữa lòng Hà Nội đầu những năm 60 của thế kỷ trước: Câu lạc bộ Thiếu nhi TP (thời ấy quen gọi Ấu trĩ viên). Thú vị là những cô bé, cậu bé độ tuổi thiếu niên có thể tự đạp xe, đi tàu điện, đi bộ… đến sân chơi, bởi đường phố khi đó khá an toàn. Trải nghiệm thú vị trong ngày hè của lớp thiếu nhi ngày ấy xem ra quá xa xỉ với trẻ bây giờ. Bởi nếu chúng thoát được áp lực của các lớp học đủ loại trong hè thì cũng chẳng bậc phụ huynh nào đủ can đảm để những đứa trẻ 9 - 10 tuổi tự đi đến những điểm vui chơi (nếu có) trong điều kiện đường phố tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn như hiện nay. Đấy là chưa nói, hiện tại cũng chẳng có một sân chơi nào đáp ứng cho những đứa trẻ với những hoàn cảnh gia đình khá khác nhau như CLB thiếu nhi TP những năm ấy - nơi những cô cậu bé với mức lệ phí khiêm tốn có thể đến thoải mái đọc sách, vùng vẫy ở bể bơi…

Lại muốn nhắc lại một điều dường như ai cũng biết, cũng cho là đúng mà không phải ai cũng có thể thực hiện: Để những ngày hè thực sự có ý nghĩa, trẻ phải được chơi và chơi một cách an toàn. Cũng xin nói thêm, trước khi lo cho trẻ học tập, vui chơi an toàn trong thế giới công nghệ số, phải làm sao để chúng có thể học tập vui chơi an toàn trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong những ngày hè.

L.Q