Kinhtedothi - Cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh với khoảng 150 lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, được tổ chức hôm nay (30/3) tại Hà Nội, là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách cùng cộng đồng doanh nghiệp tìm tiếng nói chung, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy không phải là một diễn đàn chính thức, song một cuộc đối thoại thẳng thắn và chân tình giữa vị Bộ trưởng của nhiều chính sách đổi mới với các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam về chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2015 - Cơ hội và thách thức” là dịp để hai bên chia sẻ tầm nhìn và khát vọng, đồng thời tìm giải pháp cho một năm thành công hơn của kinh tế Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh năm 2015 được coi là năm dành cho doanh nghiệp, bởi kinh tế Việt Nam có hồi phục và phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (giữa) đối thoại với lãnh đạo các doanh nghiệp.
|
Năm 2015 đã khởi đầu tốt đẹp trong quý I, khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức 6,03% - con số khiến cả Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng bất ngờ. Sự phục hồi của nền kinh tế đã trở nên rõ ràng hơn và khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,2% trong năm nay là rất lớn. Thậm chí, đã có những kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,3 - 6,5% trong năm 2015 này.
Nhưng có lẽ còn những vấn đề lớn hơn cả chuyện tăng trưởng bao nhiêu phần trăm trong năm nay. Đó là không gian kinh tế mới, động lực tăng trưởng mới đang được mở ra khi cải cách thể chế kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu có những bước đi thực chất hơn, khi nhiều cơ hội hợp tác song phương và đa phương được thiết lập trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác sẽ được ký kết trong năm nay… Và một điều quan trọng là chỉ 3 tháng nữa, hai đạo luật gốc liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp - Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực. Chưa kể, còn các luật khác liên quan đến việc minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, như Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh...
Với tư tưởng xuyên suốt, thống nhất, minh bạch về việc người dân và doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, đảm bảo quyền tự do kinh doanh như Hiến pháp 2013 quy định, khi các luật này đi vào cuộc sống, chắc chắn sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, tạo được làn sóng mới trong đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam. Tất nhiên, điều này sẽ mang lại động lực mới cho nền kinh tế.
Có động lực mới, nền kinh tế có cơ hội để tăng tốc. Nhưng để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, đạt tốc độ tăng trưởng 6,5 - 7% trong giai đoạn 5 năm tiếp theo như mục tiêu đề ra, thì cần tiếp tục cải cách và đổi mới nền kinh tế.
Thông điệp cải cách đã được Chính phủ nhất quán quan điểm. Và hôm nay, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, “kiến trúc sư trưởng” của hai Luật Doanh nghiệp và Đầu tư sửa đổi, đóng vai trò là một người “truyền lửa”.
Khi doanh nghiệp thống nhất nhận thức, đồng thuận và thực hiện, công cuộc cải cách của đất nước thêm cơ hội để đẩy mạnh. Khi doanh nghiệp có thêm thông tin và về hiểu về những cơ hội và thách thức khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, Việt Nam sẽ hội nhập thành công. Một khi các nhà hoạch định chính sách cùng cộng đồng doanh nghiệp có thể chân tình chia sẻ và tin tưởng lẫn nhau, nền kinh tế chắc chắn sẽ có thêm động lực phát triển.