Vi phạm an toàn giao thông khu vực nông thôn vẫn nghiêm trọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 31/3, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đảm bảo trật tự ATGT quý I/2015 và triển khai công tác trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Kinhtedothi - Chiều 31/3, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đảm bảo trật tự ATGT quý I/2015 và triển khai công tác trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Hà Nội giảm cả 3 tiêu chí

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, 3 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra hơn 5.800 vụ TNGT làm chết 2.345 người, 5.488 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2014 giảm 731 vụ, giảm 82 người chết và 974 người bị thương. Tuy nhiên vẫn còn 23 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 16 tỉnh tăng trên 10%. Đặc biệt, 5 tỉnh Bình Dương, Hải Dương, Gia Lai, Bắc Ninh, An Giang số người chết tăng trên 50%.
Người tham gia giao thông vi phạm luật tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. 	Ảnh: Công Hùng
Người tham gia giao thông vi phạm luật tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng
TP Hà Nội, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATGT nên TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, 3 tháng đầu năm, toàn TP xảy ra 141 vụ TNGT, làm 145 người chết và 49 người bị thương; so với cùng kỳ giảm 31 vụ, 4 người chết, 51 người bị thương. Lực lượng CSGT Công an TP đã kiểm tra, xử lý 123.481 trường hợp, phạt tiền hơn 33 tỷ đồng, tạm giữ hơn 5.000 phương tiện, hơn 34.000  bộ giấy tờ và tước hơn 5.000 giấy phép lái xe.

Tại hội nghị, hầu hết các địa phương đều cho biết trong 3 tháng đầu năm tuy TNGT giảm cả 3 tiêu chí song vấn đề đảm bảo trật tự ATGT tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa diễn ra rất nghiêm trọng. Điển hình như ở Gia Lai, đến 46% các vụ tai nạn xảy ra ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nguyên nhân là do công tác tổ chức, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức… Bên cạnh đó, ý thức và nhận thức người dân tham gia giao thông còn kém, tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi. Không có bằng lái, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Đại diện tỉnh Tây Ninh cho biết, nguyên nhân dẫn đến TNGT tại các vùng nông thôn tăng cao còn do vấn đề tuyên truyền về luật, ATGT còn nhiều bất cập, chưa sinh động, hấp dẫn phù hợp với tình hình, nhận thức của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc. Lực lượng cán bộ phụ trách giao thông còn mỏng, trình độ chuyên môn còn hạn chế, xử lý còn xuê xoa.

Tiếp tục tuyên truyền với nhiều hình thức
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình lãnh đạo một số tỉnh có tỷ lệ TNGT gia tăng trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh, các tập thể, cá nhân có liên quan sẽ không được xem xét khen thưởng nếu không hoàn thành nhiệm vụ về kiềm chế TNGT.
Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức sinh động, phù hợp với nhận thức của người dân. Tuyên truyền sâu rộng vào từng bản làng, ngõ xóm. Chú trọng triển khai nâng cấp, đầu tư xây dựng các tuyến đường đảm bảo chất lượng và bố trí thêm nhiều biển cảnh báo, chỉ dẫn. Tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ vùng. Đặc biệt, đưa công an cấp huyện xuống cấp xã phối hợp chặt chẽ các bộ phận từ ủy ban đến các đoàn thể, hội thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh trong công tác tuyên truyền, điều phối, kiểm tra xử lý giao thông. Từ đó, nâng cao nhận thức người dân, thay đổi hành vi tham gia giao thông, tăng ATGT cho vùng nông thôn.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ngành các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng cùng vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT đến phường, xã, thị trấn. Tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao. Đồng thời vận động người dân ký cam kết chấp hành đúng luật, không vi phạm ATGT.

Phó Thủ tướng cho rằng, để giảm TNGT phải xử phạt nặng hơn đối với các hành vi vi phạm để răn đe đối với những người cố tình vi phạm. Giao Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT; chỉ đạo Sở GTVT các địa phương tăng cường siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, lắp đặt trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tự động tại các trạm thu phí. Các bộ, ngành địa phương triển khai quyết liệt tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm chở hàng quá tải trên đường bộ; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT tại các trục, tuyến QL trong dịp nghỉ lễ, nghỉ hè.