Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, các cơ quan chức năng cũng cần có cơ chế, quy hoạch cụ thể để tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu chính đáng cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này.
Xử lý dứt điểm vi phạm
Theo kế hoạch xử lý của UBND quận Bắc Từ Liêm, 35 tổ chức, cá nhân có vi phạm trong hoạt động khai thác, trung chuyển VLXD trên địa bàn 4 phường ven sông Hồng là Thụy Phương, Liên Mạc, Đông Ngạc và Thượng Cát phải di chuyển cát sỏi, công trình vi phạm ra khỏi vị trí hành lang thoát lũ, trả lại nguyên trạng ban đầu của đất. Đây cũng là những “điểm nóng” gây bức xúc kéo dài bởi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đê điều, ảnh hưởng môi trường và trật tự đô thị, ATGT. Theo kế hoạch, trong tháng 4/2016, lực lượng chức năng của quận tập trung xử lý giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn. Tuy nhiên, đáng ghi nhận là phần lớn các tổ chức, cá nhân vi phạm đã tự giác chấp hành, tháo dỡ, di chuyển công trình, máy móc và giải tỏa VLXD trên bãi.
Ghi nhận của phóng viên tại Bãi Chèm thuộc phường Thụy Phương vào giữa tháng 4 đã không còn hoạt động chứa và trung chuyển VLXD tấp nập như trước. 7 tổ chức, cá nhân có vi phạm tại đây đã tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt hành chính và cam kết không tái lấn chiếm đất công để làm bãi trung chuyển VLXD. Đồng thời, chính quyền địa phương khẳng định kiên quyết áp dụng các biện pháp ngăn chặn đầu vào của VLXD, đảm bảo an toàn hành lang thoát lũ. Chủ tịch UBND phường Thụy Phương Nguyễn Ngọc Nam cho biết, sau khi giải tỏa xong, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ để ngăn chặn ngay từ đầu việc tái phạm.
Hài hòa lợi ích
Theo Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 1/2/2013 của UBND TP Hà Nội về quy hoạch sử dụng cát, sỏi, bãi trung chuyển VLXD trên địa bàn TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có 2 điểm được quy hoạch làm bãi chứa, trung chuyển VLXD với tổng diện tích 17,706ha (11,49ha tại phường Thượng Cát và 6,216ha tại phường Liên Mạc). Tuy nhiên, diện tích đất đang được sử dụng làm bãi chứa, trung chuyển VLXD trên địa bàn hiện là 40,28ha. Trong đó có 20,4ha đã được TP giao đất, cho thuê đất hoặc chấp thuận chủ trương cho các tổ chức thuê làm bãi chứa, trung chuyển VLXD.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Kim Vinh, để xử lý nghiêm các điểm trung chuyển VLXD không đúng quy định, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân và đáp ứng nhu cầu về VLXD phục vụ quá trình đô thị hóa trên địa bàn quận, UBND quận đã kiến nghị TP xem xét, bổ sung 40,72ha vào quy hoạch bãi chứa, trung chuyển VLXD trên địa bàn. Ngày 2/2/2016, UBND TP cũng đã có Văn bản số 581 giao Sở TN&MT xem xét những kiến nghị trên và tham mưu đề xuất giải quyết, báo cáo UBND TP.
Ông Nguyễn Văn Thưởng - Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Phương Nghĩa cho biết: Công ty đã tham gia kinh doanh VLXD ở Bến Chèm, phường Thụy Phương từ năm 1995. Đến nay, cơ quan chức năng cấm làm bến bãi tập kết, trung chuyển tại đây, DN sẽ thực hiện nghiêm túc, nhưng cũng rất lo lắng bởi đời sống của những người lao động sẽ bị ảnh hưởng lớn. Do đó, ông Thưởng kiến nghị sớm có quy hoạch cụ thể để tạo điều kiện cho Công ty được kinh doanh tại địa điểm hợp pháp.
Mùa mưa bão năm 2016 đang đến gần, chính quyền địa phương đã và đang quyết liệt xử lý, giải tỏa các vi phạm hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ. Tuy nhiên, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh VLXD vùng bãi ven sông Hồng theo đúng quy định pháp luật, rất cần sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng trong việc xác định quy hoạch, bản đồ vị trí giao đất làm bãi chứa, trung chuyển VLXD. Như vậy vừa nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đê điều, vừa ổn định tình hình cơ sở và đáp ứng nhu cầu VLXD trong quá trình đô thị hóa.
Lực lượng chức năng phá dỡ công trình vi phạm đê điều tại phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phương Lâm
|