Vi phạm nhiều, xử lý nhỏ giọt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp giao ban công tác quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi do UBND TP Hà Nội tổ chức, nhiều vấn đề đã được mổ xẻ.

Trong đó, nội dung được đề cập nhiều nhất là vai trò, trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Xe quá tải vẫn ngang nhiên lưu thông trên đê tả sông Hồng. 	Ảnh: Trọng Tùng
Xe quá tải vẫn ngang nhiên lưu thông trên đê tả sông Hồng. Ảnh: Trọng Tùng
Vi phạm tiếp tục tăng

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2015, vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi tiếp tục diễn biến phức tạp. Toàn TP để xảy ra 204 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, nâng tổng số vi phạm từ đầu năm 2010 lên 1.690 vụ. Các vụ vi phạm pháp luật về đê điều chủ yếu là xây nhà bê tông; dựng lều quán, lán tạm; chất chứa vật liệu, chất thải lên phạm vi bảo vệ đê; đào ao, phá trạch, xây dốc lên đê… Trong số này, huyện Ứng Hòa vẫn là địa phương để xảy ra số vi phạm nhiều nhất với 716/1.690 vụ (chiếm 42,3%), tiếp đến là Phúc Thọ (6,4%), Ba Vì (5,5%), Tây Hồ (5,5%), Gia Lâm (5%)… Vi phạm phát sinh nhiều nhưng việc xử lý các vi phạm trên thực tế rất chậm. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng mới xử lý được 19/204 vụ vi phạm phát sinh (chiếm 9,3%). Tương tự, số vụ vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn TP cũng đang có chiều hướng ngày một tăng. Theo báo cáo của các DN thủy lợi, tổng số vi phạm tính đến tháng 6/2015 là 15.289 vụ, nhưng hiện mới chỉ xử lý được 1.660 vụ, còn tồn tại tới 13.629 vụ.

Đặc biệt, tình trạng vi phạm xe quá tải chạy trên các tuyến đê, khai thác cát dưới lòng sông Hồng, sông Đuống... vẫn là bài toán khó với các cơ quan chức năng. Ông Đỗ Đức Thịnh – Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT) cho biết, trong các tháng cuối năm 2014, đầu năm 2015, đơn vị đã phối hợp với Thanh tra GTVT, các đội CSGT (Công an TP), lực lượng chức năng các quận, huyện, thị xã, thanh kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp xe quá tải vi phạm tải trọng; tuần tra, phối hợp kiểm tra, xử lý và thu giữ nhiều tàu, thuyền khai thác cát trái phép... Tuy nhiên, những vi phạm vẫn tiếp diễn và ngày một phức tạp.   

Gắn trách nhiệm với địa phương

Dù TP đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhằm từng bước hạn chế, giải quyết triệt để các vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, nhưng hiệu quả thực tế đến nay vẫn còn nhiều điều đáng bàn, trong đó không thể không đề cập tới vai trò trách nhiệm của các đơn vị trực tiếp quản lý các tuyến đê và công trình thủy lợi.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, tỷ lệ vi phạm được xử lý còn thấp, số vụ vi phạm tồn đọng nhiều có nguyên nhân quan trọng từ việc một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo việc ngăn chặn, giải tỏa. Dù việc phân định trách nhiệm giữa chính quyền và các cơ quan quản lý đê điều đã được quy định cụ thể tại “Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP”, ban hành kèm theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND của UBND TP, tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương phối hợp thực hiện chưa tốt. Liên quan tới việc xử lý các vi phạm công trình thủy lợi do 5 DN thủy lợi quản lý, lãnh đạo một số quận, huyện cho rằng, việc các đơn vị này chỉ thực hiện kiểm tra, lập biên bản xác nhận hành vi vi phạm, sau đó báo cáo, đề nghị chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa là chưa làm tròn trách nhiệm. Theo đó, các DN thủy lợi cần phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác xử lý, chứ không nên chỉ dừng lại ở lập biên bản!

Tại cuộc họp, vai trò trách nhiệm của một số đơn vị sở, ngành khác như Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Sở GTVT… cũng đã được nêu lên. Sau khi lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, hơn một năm sau khi quy chế phối hợp xử lý vi phạm được ban hành, việc xử lý vi phạm vẫn không khá hơn. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về các địa phương. Đã có những thời điểm với sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan, việc xử lý vi phạm được thực hiện rất hiệu quả. Thực tế, các địa phương cũng có đầy đủ lực lượng để ngăn chặn các vi phạm đê điều, công trình thủy lợi. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu, trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi. Các địa phương tổ chức lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với Công an TP và các đơn vị liên quan tập trung xử lý vi phạm tồn đọng, ngăn chặn vi phạm mới phát sinh. Từ nay tới cuối tháng 7, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổng hợp, rà soát vi phạm, xây dựng kế hoạch ra quân xử lý vi phạm; dự kiến tháng 8 sẽ tổ chức các đoàn thanh kiểm tra để xử lý dứt điểm các vi phạm này.