Vi phạm quy định phòng, chống dịch: Phải xử lý nghiêm minh

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Liên tiếp những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội tiếp tục xuất hiện những cá nhân có những hành vi chống đối việc kiểm dịch, thông chốt, vi phạm quy định về phòng dịch, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Vi phạm quy định phòng, chống dịch

Thông tin từ Công an huyện Gia Lâm cho biết, cơ quan này đã triệt phá đường dây vận chuyển hải sản lợi dụng xe “luồng xanh” để qua chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 khi đi qua địa bàn. Trước đó, đêm 2/9, Tổ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn của Công an xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến đường đê của xã đã phát hiện một số phương tiện chở hàng di chuyển đến khu vực gầm cầu vượt Thanh Trì (xã Đông Dư).

Công an huyện Gia Lâm xử lý các đối tượng vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19

Nhận thấy dấu hiệu vi nghi vấn, Tổ công tác Công an xã Đông Dư đã tiến hành kiểm tra, sơ bộ phát hiện 9 xe ô tô tải đông lạnh chở hàng thủy, hải sản từ nhiều tỉnh thành và khoảng 20 người đang bốc dỡ hàng hóa tại khu vực trên. Lập tức, Công an xã đã báo cáo sự việc về Ban chỉ huy Công an huyện Gia Lâm và Sở chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 xã Đông Dư.

Bước đầu, các tài xế xe tải cung cấp được những giấy tờ như căn cước công dân, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe ô tô, giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19, giấy đăng ký luồng xanh, nhưng địa điểm đến trong luồng tuyến đều sai so với đăng ký.

Cùng với đó, qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện 20 người điều khiển xe máy đến khu vực trên để chở hàng, tuy xuất trình được giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe nhưng đều không có giấy đi đường được cấp theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Công an xã Đông Dư đã lập biên bản đối với từng trường hợp để xử lý theo quy định.

Qua tham mưu của lực lượng công an, Chủ tịch UBND xã Đông Dư đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 lái xe ô tô tải, về hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (lỗi xe luồng xanh sai tuyến), được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, với mức xử phạt chung là 2 triệu đồng/người; tổng tiền phạt là 18 triệu đồng.

Xử phạt vi phạm hành chính đối với 20 người có hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (lỗi ra ngoài khi không cần thiết), được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; với mức xử phạt chung là 2 triệu đồng/người; tổng tiền phạt là 40 triệu đồng...

Một vụ việc khác, thông tin từ lãnh đạo UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) cho biết, lực lượng chức năng quận Hoàng Mai đang lập hồ sơ để xử lý nghiêm đối tượng không chấp hành việc kiểm tra giấy đi đường, tăng ga phóng xe máy bỏ chạy và đâm vào thành viên chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 gây thương tích.2

Chủ tịch UBND phường Trần Phú Lê Hải Quang cho biết, vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 2/9 tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 cuối phố Tây Trà (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai), lực lượng chức năng phát hiện Nguyễn Văn Trung (SN 1981, trú tại phường Trần Phú) điều khiển xe máy định đi qua chốt. Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra giấy tờ nhưng đối tượng không xuất trình được giấy đi đường theo quy định. Sau đó đối tượng bất ngờ tăng tốc tông trúng đoàn viên thanh niên Dương Tiến Đạt (đoàn viên Chi đoàn 1, phường Trần Phú) làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát, rồi bỏ chạy.

Hậu quả, đoàn viên Dương Tiến Đạt bị thương ở chân, xây xát người được đưa đi khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Đối tượng đã bị tổ tuần tra của Công an phường Trần Phú bắt giữ ngay sau đó đưa về trụ sở. Công an phường Trần Phú đã phối hợp với đội nghiệp vụ Công an quận Hoàng Mai để lập hồ sơ xử lý đối tượng theo đúng quy định.

Hiện trường xảy ra vụ việc tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 cuối phố Tây Trà (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai)

Ngày 4/9, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Sóc Sơn cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố bị can 2 đối tượng chống người thi hành công vụ tại chốt kiểm dịch Covid-19. Trước đó, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở thôn Lương Phúc, xã Việt Long, đối tượng Nguyễn Văn Xuất (SN 1990, trú tại xã Việt Long, huyện Sóc Sơn) có hành vi gây rối, chửi bới, xúc phạm cán bộ trực chốt Covid-19. Khi Công an huyện cử cán bộ xuống hiện trường giải quyết vụ việc thì đối tượng cầm dao chửi bới, thách thức lực lượng chức năng. Tổ công tác đã khống chế đối tượng đưa về trụ sở và lập hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.

Tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở thôn Bái Thượng (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) đối tượng Nguyễn Văn Bình (SN 1978, trú tại xã Thanh Xuân) không đeo khẩu trang, không khai báo y tế và có hành vi gây rối, chửi bới và xúc phạm cán bộ trực chốt Covid-19. Trước hành vi của Bình, tổ công tác yêu cầu Bình tuân thủ quy định phòng chống dịch nhưng người này không chấp hành và đánh gây thương tích 2 thành đang trực tại chốt kiểm dịch. Với hành vi côn đồ của Bình lực lượng chức năng đã khống chế đối tượng đưa về trụ sở và lập hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.

Liên tiếp những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều trường hợp các cá nhân “thông chốt” kiểm soát dịch Covid-19 bằng cách tấn công các cán bộ đang thực thi công vụ. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho những người đang thi hành nhiệm vụ mà còn thể hiện rất rõ bản tính côn đồ của một số đối tượng. Ngoài ra, gần đây xuất hiện một số đối tượng có hành vi làm giả giấy đi đường để tự do ra ngoài trong trường hợp không được phép. Hành vi của các đối tượng này cần được xử lý nghiêm để bảo đảm sự thượng tôn của pháp luật, răn đe kẻ khác, nhất là trong thời điểm cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang còn những khó khăn, phức tạp như hiện nay.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đào Nguyên Thuật (Văn phòng Luật sư Kết Nối) cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid 19-đang diễn biến vô cùng phức tạp, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Việc tập trung phòng chống dịch bệnh lúc này là ưu tiên số một của tất cả các cấp, các ngành. Mỗi người dân cũng phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với công tác chống dịch chung của toàn xã hội. Chưa bao giờ tình hình dịch bệnh lại khó khăn như hiện nay, đòi hỏi phải có sự cố gắng cao nhất, quyết tâm lớn chưa từng có mới mong đẩy lùi được đà lây lan của dịch bệnh.

Một trong những điều cần làm nhất lúc này là chấn chỉnh lại ý thức của một bộ phận nhất định người dân. Những người tỏ ra chủ quan, phớt lờ quy định chống dịch của chính quyền, những người không đeo khẩu trang, ra đường trong trường hợp không được phép, những người chống đối lực lượng chức năng… đều phải bị xử lý thật nghiêm. Trong cuộc chiến với dịch bệnh, người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng và then chốt. Nếu mỗi người dân ý thức hơn một chút, trách nhiệm hơn một chút, gánh nặng đè lên vai lực lượng chức năng sẽ nhẹ hơn rất nhiều và xã hội sớm trở lại ổn định bình yên.

Về mặt quy định của pháp luật đã khá đầy đủ căn cứ để xử lý bất cứ hành vi nào có tính chống đối biện pháp phòng chống dịch cả về hành chính và hình sự. Cụ thể, hiện nay một số hành vi vi phạm mà mọi người vẫn thường mắc phải là ra khỏi nhà không vì lý do chính đáng, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, không chịu khai báo, cách ly y tế, có hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch…

Việc ra khỏi nhà không vì lý do chính đáng, tập trung đông người không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang ở nơi đông người, không khai báo hoặc khai báo y tế không trung thực, từ chối cách ly, từ chối xét nghiệm, không chấp hành việc tiêm vaccine theo yêu cầu của cơ quan y tế và một số hành vi khác liên quan đến lĩnh vực y tế có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Mức xử phạt phổ biến là phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu ở mức độ nghiêm trọng hơn. Các tội phổ biến mà nhiều người có thể phạm phải theo Bộ luật Hình sự năm 2015 là “Chống người thi hành công vụ” - Điều 330, “Gây rối trật tự công cộng” - Điều 318, “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” - Điều 295, “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” - Điều 240.

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội), gần đây xuất hiện một số đối tượng có hành vi làm giả giấy đi đường để tự do ra ngoài trong trường hợp không được phép. Việc làm của các đối tượng này có dấu hiệu của tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ qua tổ chức” căn cứ Điều 341 Bộ luật Hình sự. Người không làm mà chỉ sử dụng các loại giấy tờ giả này trong trường hợp sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sử dụng tài liệu hoặc con dấu giả của cơ quan tổ chức” cũng theo Điều 341 của Bộ luật Hình sự. Người phạm hai tội này đều có thể bị phạt tù tối đa đến 7 năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần