Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật Inteco cho biết, các hành vi này ngoài bị phạt vi phạm hành chính còn có thể bị xử lý hình sự. “Chiếc vé trông giữ xe có giá trị nhỏ, nhưng câu chuyện quản lý hoạt động trông giữ xe lại là chuyện rất lớn. Vì vậy, các quy định pháp luật đã có cần được thực thi nghiêm túc” - ông Phong nhấn mạnh.
Bài 1: Lạm thu tràn lan
Bài 2: Buông lỏng quản lý, ngân sách thất thu lớn
Bài 3: Lạm thu có thể bị xử lý hình sự
Thất thu ngân sách
Tình trạng lạm thu đang diễn ra phổ biến tại các điểm trông giữ ô tô, xe máy trên địa bàn Hà Nội. Mỗi tháng, hàng tỷ đồng tiền thu sai quy định đang chảy ngoài ngân sách Nhà nước. Hành vi này có được coi là trốn thuế và sẽ bị xử lý thế nào theo luật, thưa ông?
- Trên địa bàn Hà Nội, phí trông giữ xe máy, xe đạp được thực hiện theo Quyết định số 69/2014/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND TP Hà Nội, với mức phí gửi theo địa bàn quận (huyện), nhưng không quá 3.000 đồng/lượt đối với xe máy và 40.000 đồng với ô tô. Các khoản phí thu phải có hóa đơn (dưới dạng vé xe), và phải ghi nhận vào sổ theo dõi.
Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định này đang bị vi phạm khá phổ biến, thể hiện dưới 2 hành vi chính là thu cao hơn mức quy định và thu phí nhưng không lập hóa đơn và không đưa vào sổ sách theo dõi, báo cáo.
Dễ nhận thấy là số tiền chênh lệch do thu cao hơn quy định và số tiền thu không có hóa đơn sẽ được bỏ ngoài sổ sách và thu lợi bất chính, dẫn đến ngân sách Nhà nước hàng năm thất thu một khoản khá lớn do bị trốn thuế. Hành vi thu phí cao hơn quy định có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, với mức xử phạt cao nhất lên đến 25 triệu đồng. Đối với hành vi thu tiền mà không lập hóa đơn hoặc tự ý tạo hóa đơn không phù hợp, sẽ có thể bị xử lý theo quy định về sử dụng hóa đơn.
Trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính từ khoản chênh lệch và số tiền thu không có hóa đơn lớn thì DN, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự hay không?
- Theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự về tội trốn thuế, có một số hành vi có thể thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm với tội trốn thuế như: Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán …., nếu số tiền trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên.
Mức phạt tiền cao nhất áp dụng đối với tội trốn thuế có thể lên đến 3 tỷ đồng, và có thể chịu hình phạt tù giam đến 3 năm. Điều đặc biệt là kể từ thời điểm 1/7/2016 thì pháp nhân (công ty) cũng có thể bị xử lý hình sự về tội trốn thuế, thay vì chỉ cá nhân như trước đây.
Quy trách nhiệm cụ thể đến từng đơn vị, cá nhân
Nhiều điểm trông giữ xe không niêm yết giá, không thông tin các thông tin theo quy định, trông xe vượt quá diện tích, nhưng cơ quan quản lý vẫn làm ngơ. Với tư cách là một luật sư, theo ông, trách nhiệm của chính quyền ở đâu trong việc đảm bảo an ninh trật tự và chấp hành các quy định của pháp luật tại các điểm trông giữ xe?
- Sự việc diễn ra một cách công khai, liên tục giữa ban ngày và ở hầu khắp mọi con đường, ngõ phố của Hà Nội nhưng hầu như không bị xử lý hoặc chỉ xử lý chiếu lệ. Một vấn đề bất cập là nhiều cơ quan có thẩm quyền có thể tham gia vào xử lý nhưng lại không cơ quan nào xử lý. Thanh tra giao thông, cơ quan thuế, cảnh sát trật tự, UBND quận, phường…, tùy thuộc vào lĩnh vực và địa phận mà có thể tham gia kiểm tra xử lý vi phạm, nhưng hầu hết vẫn làm ngơ.
Tôi cho rằng, các cơ quan này đã không hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Tất nhiên, phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để truy trách nhiệm của cơ quan nào, chứ không thể đề cập một cách chung chung được.
Vậy theo ông, cần có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng vi phạm và lạm thu của dịch vụ trông giữ xe dưới góc nhìn pháp luật?
- Quy định pháp luật đã có, vấn đề nằm ở chỗ các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng chưa thực thi nghiêm túc. Vì thế, cần quyết liệt hơn trong việc xử lý, cần quy trách nhiệm cụ thể đến từng đơn vị chịu trách nhiệm. Cơ quan nào không hoàn thành nhiệm vụ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, do nhu cầu gửi xe là hiện hữu và bức xúc trong bối cảnh đất chật người đông như hiện nay, nên Nhà nước cần có chính sách khuyến khích xã hội đầu tư nhiều hơn nữa vào các dự án xây bãi đỗ xe. Việc quy hoạch không gian trông giữ xe cũng cần được thực hiện một cách minh bạch, có cơ chế đấu thầu kinh doanh dịch vụ trông giữ xe rõ ràng và đặt dưới sự giám sát của Nhân dân, cần thường xuyên lập đoàn thanh tra kiểm tra thực tế tại các bãi đỗ xe và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định.
Chiếc vé giữ xe có giá trị nhỏ, nhưng câu chuyện quản lý hoạt động trông giữ xe lại là chuyện rất lớn.
Xin cảm ơn ông!
Chiều 10/3, đại diện Sở Tài chính cho biết, đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài chính chủ trì đã kiểm tra 94 điểm trông giữ xe trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, vi phạm lạm thu, sử dụng vé sai quy định… vẫn phổ biến. Đoàn liên ngành đã tiến hành lập biên bản và xử phạt 85/94 điểm trông giữ xe với tổng số tiền gần 458 triệu đồng. |