Vi phạm trật tự đô thị có chiều hướng gia tăng: Không được chủ quan, lơi là

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau khi Hà Nội nới lỏng một số hoạt động kinh doanh nhằm phục hồi kinh tế, đảm bảo cuộc sống của người dân..., vi phạm trật tự đô thị tái diễn trên nhiều tuyến đường, khu vực trên địa bàn TP.

Lấn chiếm vỉa hè nhiều nơi
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị trong sáng ngày 4/10, tại nhiều khu vực trên địa bàn TP như đường Láng (đoạn qua chợ Láng Hạ), khu vực chợ Ngã Tư Sở (phường Ngã Tư Sở), đường Hoàng Hoa Thám, phố Đoàn Thị Điểm… tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh tái diễn như trước khi Hà Nội thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19.

 Hàng quán lấn chiếm vỉa hè đường Láng đoạn qua chợ Láng Hạ.

Cụ thể, tại khu vực cổng chợ Láng Hạ (đường Láng), hàng loạt tiểu thương đã bày hàng hóa lấn chiếm toàn bộ phần diện tích vỉa hè giáp với đường Láng, điểm chờ xe buýt – khu vực nằm ngoài phạm vi của chợ Láng Hạ. Thậm chí, để phục vụ cho việc kinh doanh, các tiểu thương còn thản nhiên dựng ô, bạt… phủ kín vỉa hè khiến khu vực trở lên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

Tương tự, tại khu vực chợ Ngã Tư Sở, hàng loạt các cửa hàng như sửa chữa khóa, bán mũ bảo hiểm, quần áo… cũng thản nhiên “nuốt chọn” vỉa hè làm nơi kinh doanh từ sáng đến tối khiến việc di chuyển khiến việc di chuyển của các phương tiện, người đi bộ gặp rất nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Hoàng Quyên, phường Ngã Tư Sở cho biết, tình trạng trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi TP Hà Nội tiến hành nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. “Thời gian đầu, chúng tôi còn thấy lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, đẩy đuổi những trường hợp vi phạm… mức độ quyết liệt đã giảm đi. Nhưng khi lực lượng chức năng nơi lỏng một chút, vi phạm tái diễn nhiều"  – chị Quyên cho hay.

Hàng hoa, cây cảnh chiếm dụng toàn bộ vỉa hè phố Hoàng Hoa Thám.

Tiếp đó, ghi nhận trên đường Hoàng Hoa Thám, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự. Tại đây, phần lớn diện tích vỉa hè đã bị các hộ kinh doanh, gánh hàng rong chiếm dụng làm nơi bày bán hoa, cây cảnh… khiến người đi bộ chỉ còn cách lao xuống lòng đường để di chuyển, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự ATGT.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Bạch Quang Trung – Phó Chủ tịch UBND phường Láng Hạ cho biết, sau khi TP tiến hành nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch – cho phép một số cơ sở kinh doanh được phép hoạt động trở lại, các lực lượng chức năng phường vẫn thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Song, tại một số thời điểm, tranh thủ sự vắng mặt của các lực lượng chức năng, không ít người vẫn tái vi phạm. "Tiếp thu phản ánh của Báo, UBND phường sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - Phó Chủ tịch UBND phường Láng Hạ cho biết.

 Hàng quán lấn chiếm tại điểm chờ xe buýt trên đường Láng.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở Hoàng Mạnh Dũng cũng cho biết, sau khi TP nới lỏng giãn cách xã hội, tại một số khu vục trên địa bàn, người dân đã có biểu hiệu chủ quan, lơi là trong phòng, chống dịch Covid-19. Hiện tại, UBND phường đã nắm được thực trạng trên và đang chỉ đạo công an phường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự đô thị cũng như phòng, chống dịch Covid-19.

 Trên phố Đoàn Thị Điểm, chợ cóc họp dưới lòng đường, quán nước hoạt động ngay trong khu vực rào chắn.

Có thể nói, sau khi từng bước đẩy lùi dịch bệnh, việc TP Hà Nội tiến hành nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép một số loại hình kinh doanh hoạt động trở lại là hết sức cần thiết nhằm phục hồi nền kinh tế, hạn chế mức độ ảnh hưởng đối với người dân.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp, nguy cơ tái bùng phát bất cứ lúc nào thì chính quyền các địa phương cần kiên quyết, quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt đối với các chợ “cóc”, chợ tạm…. Bởi việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực kinh doanh này còn bộc lộ bất cập. Việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm của các lực lượng chức năng sẽ góp phần đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị, cũng như góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Cùng với đó, người dân cũng cần phải tiếp tục nêu cao tinh thần tự giác, không vì mục đích kinh tế trước mắt mà lơi là trong phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần