Vi phạm trật tự xây dựng: Phát sinh nhiều, xử lý chậm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra, từ xây dựng không phép, sai quy hoạch, sai phép, lấn chiếm không gian, mật độ xây dựng, xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp, nhưng việc xử lý vẫn chưa kiên quyết và thống nhất. Đó là nhận xét được Thường trực HĐND TP đưa ra sau đợt giám sát vừa qua.

Cứ kiểm tra là phát hiện vi phạm

Theo thống kê của Sở Xây dựng, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn TP đã cấp 15.452 giấy phép xây dựng (đạt 93,9%); kiểm tra, phát hiện và thiết lập hồ sơ vi phạm đối với 3.046 công trình (1.758 trường hợp không phép, sai phép; 1.125 trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp…).

Lãnh đạo Sở khẳng định, tất cả các trường hợp vi phạm đều được lực lượng Thanh tra xây dựng lập hồ sơ. Hiện đã xử lý dứt điểm 2.624 trường hợp vi phạm (đạt 86,2%); số công trình vi phạm đang xử lý là 358 trường hợp. Cùng với đó, vẫn còn 64 trường hợp vi phạm từ năm 2013 tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm. Các cơ quan chức năng cũng đã ban hành 984 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ với tổng số tiền thu phạt hơn 7,7 tỷ đồng, và 356 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị quyết 07/2014/NQ-HĐND của HĐND TP, thu phạt hơn 3,3 tỷ đồng…
Cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng tại đường A36, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.	 Ảnh: Công trình
Cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng tại đường A36, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Ảnh: Công trình
Thực tế giám sát tại các quận, huyện cũng cho thấy, vi phạm trật tự xây dựng diễn ra rất phổ biến, có nhiều địa phương ghi nhận số vi phạm những tháng đầu năm 2015 đã khá cao, thậm chí cao hơn cả con số của cả năm 2014 như Đan Phượng (72 trường hợp), Thanh Trì (135 trường hợp), Hà Đông (48 trường hợp), Bắc Từ Liêm (115 trường hợp), Chương Mỹ (89 trường hợp)… Nói như lãnh đạo nhiều quận, cứ kiểm tra là phát hiện vi phạm, đặc biệt là các quận đang trong quá trình đô thị hóa nhanh. Trong đó, tình hình xây dựng trên đất nông nghiệp, lấn chiếm diễn ra phức tạp. Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn: Hầu như tuần nào, các phường có diện tích ngoài đê của quận cũng phải tiến hành tháo dỡ lều lán, nhà tạm, tường bao được dựng lên trên đất nông nghiệp, một số trường hợp tái phạm ngay sau khi chính quyền xử lý dỡ bỏ. Rất khó có thể xử lý dứt điểm được các vi phạm này.

Đặc biệt, đoàn giám sát cũng chỉ ra 6 vụ vi phạm nghiêm trọng của các tổ chức, cá nhân chưa được các cấp chính quyền xử lý dứt điểm, kịp thời, dẫn tới khiếu kiện kéo dài, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự như công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (Thanh Trì), chung cư 93 Lò Đúc… Việc cấp phép tạm cho các khu vực đã có quy hoạch nhưng chưa thực hiện việc thu hồi đất, khu vực hành lang thoát lũ, khu vực ngoài bãi sông cũng thực hiện thiếu thống nhất, mỗi địa phương vận dụng một cách khác nhau, ảnh hưởng đến quyền lợi nhiều hộ dân đã sinh sống ổn định tại các khu vực này.

“Nhiều người nhìn, ít người làm”

Đoàn giám sát HĐND TP đánh giá, trong số các nguyên nhân chủ quan khiến việc xử lý tồn tại chưa dứt điểm là do một số xã, phường, thị trấn kiểm tra, giám sát thiếu sâu sát; sự phối hợp giữa Thanh tra xây dựng với chính quyền cấp huyện, cấp xã trong thời gian đầu chuyển đổi mô hình thanh tra xây dựng chưa tốt, chưa kịp thời.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho rằng, để tồn đọng vi phạm là do thanh tra xây dựng trên địa bàn chưa làm hết trách nhiệm trong việc theo dõi, đôn đốc UBND cấp cơ sở ban hành quyết định xử lý và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương lại chỉ ra những “cái khó” khi lực lượng thanh tra xây dựng “rút” về thuộc quân số của Sở Xây dựng, khiến địa phương không thể điều động trực tiếp. Nói như lãnh đạo quận Thanh Xuân, theo đúng thẩm quyền, Thanh tra xây dựng thuộc Sở là chỉ kiểm tra, phát hiện vi phạm, còn việc xử lý, tháo dỡ lại do chính quyền. Trong khi lực lượng quản lý trật tự xây dựng ở chính quyền lại quá ít (một người/phường), nên mới dẫn đến tình trạng là “nhiều người nhìn, ít người làm”. Và để tháo dỡ, xử lý công trình vi phạm, địa phương lại phải huy động  đủ các lực lượng khác.

Để khắc phục tình trạng “Thanh tra xây dựng không có thẩm quyền xử lý vi phạm, UBND phường, xã không có người thực hiện”, nhiều quận đã có những cách làm “sáng tạo” để gỡ khó như thành lập các tổ công tác liên ngành, phân công nhiệm vụ cán bộ quản lý từng tuyến phố hoặc thành lập tổ công tác giúp việc, trong đó có cả thành viên tổ thanh tra xây dựng phường để xử lý các vi phạm… Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Do đó, như đoàn giám sát đã kết luận, việc tăng cường phối hợp cần phải đẩy thêm một bước nữa để có thể khắc phục được khó khăn. Đồng thời, TP nên xem xét sửa đổi quyết định về quản lý cấp giấy phép xây dựng, trong đó cần quy định cụ thể về cấp phép tạm gắn với giai đoạn, lộ trình thực hiện quy hoạch; cấp phép tại các khu phố cổ, khu vực hành lang thoát lũ, khu vực ngoài bãi sông… để khắc phục triệt để bất cập và đảm bảo quyền lợi của người dân có nhu cầu cải tạo chỗ ở và hạn chế “lý do tất yếu” dẫn đến vi phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần