Vi phạm về chi trả dịch vụ môi trường rừng bị phạt tới 50 triệu đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Trong đó, bổ sung quy định xử phạt vi phạm quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức phạt lên đến 50 triệu đồng.

Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đã quy định cơ bản đầy đủ các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, nhưng chưa có quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng. Do đó, đến nay chưa có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trên.

Nghị định mới của Chính phủ đã bổ sung quy định quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.
Cụ thể, người sử dụng dịch vụ môi trường rừng không ký hợp đồng chi trả tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng sau 3 tháng, kể từ khi sử dụng dịch vụ môi trường rừng thì bị phạt tiền với mức phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng nếu không ký hợp đồng với chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp chi trả trực tiếp; phạt tiền từ 10-20 triệu đồng khi không ký hợp đồng với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh trong trường hợp chi trả gián tiếp; phạt tiền từ 40-50 triệu đồng khi không ký hợp đồng với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam trong trường hợp chi trả gián tiếp.

Trường hợp người sử dụng dịch vụ môi trường rừng không kê khai tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp chi trả gián tiếp thì bị phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 50 triệu đồng.

Nếu người sử dụng dịch vụ môi trường rừng không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ thì bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 50 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định xử phạt chủ rừng là tổ chức được Nhà nước giao rừng không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ, đúng hạn tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng cho người nhận khoán bảo vệ rừng theo hợp đồng ký kết giữa chủ rừng và người nhận khoán bảo vệ rừng với mức phạt từ 200 nghìn đồng đến 50 triệu đồng tùy số tiền phải chi trả./.

Kinh tế đô thị cuối tuần