Tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ:
Vì sao 23 hộ dân trúng đấu giá đất ở xã Trần Phú, Chương Mỹ đã 16 năm không được cấp sổ đỏ, xây nhà?
Kinhtedothi - Tham gia đấu giá, trúng đấu giá, đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với chính quyền địa phương. Song, 16 năm qua, 23 hộ dân tại xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, không được phép xây dựng…
4 đời Chủ tịch xã chưa giải quyết được vụ việc
Vừa qua, Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của bạn đọc liên quan đến việc chậm cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ - PV) của đại điện 23 hộ dân tại xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ). Theo đơn phản ánh gửi về Báo Kinh tế & Đô thị, anh Trần Văn Mạnh (thôn Nghè, xã Trần Phú) cho biết: “Năm 2006, UBND xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ đã thông báo, lập hội đồng đấu giá đất ở công khai tại 2 khu vực gồm: đường đi thôn Dương Kệ và thôn Kỳ Viên”.

Không được cấp sổ đỏ, không được phép xây dựng, nhiều ô đất cỏ dại mọc um tùm.
Thực hiện chủ trương của UBND xã Trần Phú, xét trên điều kiện thực tế, nhiều hộ dân trong và ngoài xã Trần Phú đã mua Hồ sơ đấu giá công khai tại trụ sở UBND xã. Theo đó, mỗi hộ tham gia đấu giá phải đặt cọc từ 10 – 20 triệu đồng. Sau khi trúng đấu thầu các hộ dân đã nộp đủ số tiền theo kết quả đấu giá cho UBND xã Trần Phú và có Phiếu thu làm tiền kiểm chứng.
“Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, tiền của dân UBND xã Trần Phú đã thu nhưng lại không làm sổ đỏ cho chúng tôi, không tạo điều kiện cho chúng tôi xây dựng nhà ở… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống Nhân dân. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị UBND xã giải quyết xong chỉ nhận được lời hứa… đang làm, đang tháo gỡ” – ông Trần Văn Mạnh trình bày trong đơn.
Để tìm hiểu rõ hơn thông tin, ngày 6/5, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có mặt tại xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ). Theo ghi nhận của phóng viên, hiện các ô đất người dân trúng thầu chỉ có một số hộ xây được nhà cấp 4, nhà kiên cố (8 hộ - theo phản ánh của người dân), còn lại đều để trống, bỏ hoang, nhiều cây cỏ dại mọc gây mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Việc chậm giải quyết vụ việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống Nhân dân.
Chỉ về phía ô đất của mình gần đường trục xã Trần Phú, anh Trần Văn Mạnh cho biết: “Số tiền để đấu giá đất nhiều gia đình đã cóp nhặt, dành dụm cả đời với mong muốn an cư, lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Song, 16 năm trôi qua dù đã đề nghị nhiều lần lên các cấp chính quyền, chúng tôi vẫn không có sổ đỏ, không được xây dựng…”.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Lực (SN 1962; trú tại thôn Kỳ Viên) cho biết, tình trạng trên đã diễn ra từ năm 2009, đến nay đã 16 năm trôi qua với 4 đời Chủ tịch UBND xã nhưng vẫn chưa được xử lý. “Gia đình tôi có 3 người con, hiện nay các cháu đều đã lớn, có gia đình, chúng tôi rất mong muốn sớm được cấp sổ đỏ, được phép xây dựng nhà ở để đảm bảo điều kiện sinh hoạt của gia đình nhưng “lực bất tòng tâm” – ông Nguyễn Văn Lực cho hay.
Lỗi do xã đấu giá trái thẩm quyền
Liên quan đến vấn đề này, ngày 6/5, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với đại diện UBND xã Trần Phú. Vị đại diện UBND xã Trần Phú cho hay, vụ việc trên đã diễn ra từ năm 2009, bản thân mới về xã công tác nên cũng chỉ nắm được vụ việc thông qua Kết luận thanh tra vào khoảng năm 2016, 2017.
Vị này cho hay, theo kết luận thanh tra, việc UBND xã Trần Phú tại thời điểm đó tổ chức đấu giá đất là trái thẩm quyền, do đó, cơ quan chức năng cần phải thu hồi lại và trả lại tiền cho người dân đã đấu giá trúng. Song, đến thời điểm này, mặc dù xã đã nhiều lần làm việc, trao đổi với các hộ dân nhưng người dân không đồng ý với các nội dung trên.

Tại khu vực này, một số ít trường hợp đã xây dựng được nhà kiên cố.
Cũng theo vị này, chính quyền địa phương không hề gây khó dễ cho các hộ dân tổ chức xây dựng nhà ở nhằm đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, các trường hợp trên đã có kết luận thanh tra nên không thể xây dựng được. “Vừa qua, chủ sở hữu 1 thừa đất trong số 23 hộ trên có đưa máy móc vào xây dựng công trình, chúng tôi đã đình chỉ. Bởi làm nhà ở khu vực trung tâm xã phải có Giấy phép xây dựng. Song, để có giấy phép, hồ sơ đất phải hợp pháp, nhưng mảnh đất trên đã được chỉ ra là cấp sai thẩm quyền nên không thể xây dựng được” - đại diện UBND xã Trần Phú cho hay.
Đề cập đến câu hỏi, số tiền mà các hộ dân đã nộp sau khi trúng đấu giá đất do UBND xã Trần Phú tổ chức năm 2009 hiện đang ở đâu, đại diện UBND xã Trần Phú chia sẻ: Theo tôi được biết, số tiền đó khoảng 2,4 tỷ đồng, toàn bộ số tiền đã được UBND xã thời điểm đó đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, phục vụ sự phát triển của địa phương.

Tại khu vực này cũng đã xuất hiện một số ngôi nhà cấp 4, còn lại chủ yếu là đất trống.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, hiện nay, Luật Đất đai năm 2024 đã có quy định về việc cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền (Điều 140).
Cụ thể, mục 3, Điều 140 có nêu, trường hợp đất đã được sử dụng ổn định từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014, nay được UBND xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch nông thôn thì được cấp sổ đỏ như sau:
Đối với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất bằng hoặc lớn hơn hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2 Điều 195 và khoản 2 Điều 196 của Luật Đất đai thì diện tích đất ở được cấp sổ đỏ bằng hạn mức giao đất ở; Đối với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2 Điều 195 và khoản 2 Điều 196 của Luật này thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích thửa đất đó; Phần diện tích còn lại (nếu có) sau khi đã xác định diện tích đất ở theo quy định tại điểm a khoản này thì được công nhận theo hiện trạng sử dụng đất.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Hà Nội: điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa
Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 22, chiều 29/4, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2025; danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Giữa tháng 5 đấu giá đất xen kẹt tại huyện Phúc Thọ, khởi điểm từ 8,9 triệu/m2
Kinhtedothi - 8 thửa đất xen kẹt tại Khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc) sẽ được huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) tổ chức đấu giá vào giữa tháng 5/2025. Mức giá đấu khởi điểm hấp dẫn, chỉ từ hơn 8,9 triệu đồng/m2.

Không để phát sinh "điểm nóng" trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất
Kinhtedothi - Ngày 5/5, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND về triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 28/11/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh công tác dân vận trong công tác quy hoạch; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội.