Vì sao bệnh cảm cúm lại nguy hiểm với phụ nữ mang thai?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phụ nữ có thai mắc cảm cúm có thể sinh con bị dị dạng như: sứt môi, hở hàm ếch, thừa ngón tay, chân…

Trước khi mang bầu, các bà mẹ thường phải tiêm phòng cúm và sởi rubella. Những người chưa tiêm thì căng thẳng như trên đống lửa. Vậy, sốt virus, sởi rubella nguy hiểm như thế nào với bà bầu?

Hậu quả đau lòng

Theo BS chuyên khoa I Vũ Văn Quế, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định, khác với cảm lạnh thường nhẹ, không lây, không để lại di chứng; cảm cúm rất nguy hiểm, lây lan rất nhanh thành dịch và có thể gây dị tật cho thai nhi.

Với bà bầu, khi sốt cao trên 38 độ C mà do nguyên nhân nhiễm trùng như nhiễm vi khuẩn, virus cúm, rubella… có thể tấn công trực tiếp vào thai nhi gây nhiều biến chứng đáng lo ngại.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nếu nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C, sốt cao kéo dài thì hết sức nguy hiểm và có thể là một dấu hiệu báo trước mẹ bị nhiễm trùng nghiêm trọng gây dị dạng, dị tật ở con. Do vậy, nhiều trường hợp các bà bầu đã phải bỏ thai nhi chỉ vì không may mắc cảm cúm, sốt virus.

Lý giải về sự nguy hiểm của bệnh do virus, các nghiên cứu khoa học cho thấy: Các bệnh nhiễm trùng do virus có thể là cấp tính, mạn tính, tiềm tàng hoặc nhiễm trùng chậm và cũng có thể gây ung thư.

Khi virus nhân lên bên trong tế bào, nhiễm sắc thể của tế bào có thể bị gẫy, bị phân mảnh hoặc có sự sắp xếp lại, gây ra hậu quả sau nhiễm virus. Sự sai lệch nhiễm sắc thể thường gây ra tai biến cho thai nhi ở phụ nữ có thai trong những tháng đầu.

Phụ nữ có thai mắc cảm cúm có thể sinh con bị dị dạng như: sứt môi, hở hàm ếch, thừa ngón tay, chân…

Mặc dù bệnh nguy hiểm vậy song phần lớn các thuốc tân dược hiện nay đều chỉ làm giảm các triệu chứng của cúm: thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc chống ngạt mũi, thuốc chống dị ứng để giảm ho, và giảm tiết chất nhày, thuốc xịt co mạch để dễ thở…

Sau khi sử dụng, các triệu chứng của bệnh giảm rất nhanh, người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng thực tế, trong cơ thể các virus gây ra cúm vẫn còn tồn tại và phát triển. Sau 2 - 4 giờ, người bệnh lại cảm thấy uể oải, mệt mỏi, ngạt tắc mũi, chảy mũi… như khi chưa dùng thuốc. Trong lúc ấy, hệ miễn dịch của cơ thể vẫn tiếp tục làm việc để tiêu diệt virus.

Thời gian trung bình các kháng thể tiêu diệt hoàn toàn virus cúm thường kéo dài hàng tuần. Do đó người mắc cúm chỉ khỏi hoàn toàn sau khoảng 10 -14 ngày. Nhưng hậu quả virus tàn phá các cơ quan nội tạng làm người bệnh mệt mỏi, chán ăn, suy giảm sức đề kháng, cảm giác khó chịu kéo dài hàng tháng làm ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và làm việc.

Sử dụng thuốc gì để điều trị?

Theo Ths - Bs Hoàng Khánh Toàn - Trưởng khoa đông y bệnh viện 108, y học hiện đại chưa có thuốc điều trị triệt để các bệnh do virus gây ra, lý do cơ bản là các virus gây bệnh có khả năng tự biến đổi liên tục để kháng thuốc.

Việc điều trị chủ yếu vẫn tập trung vào chữa các triệu chứng, hỗ trợ chức năng sống và nâng cao chức năng hệ miễn dịch. Bệnh chỉ khỏi hoàn toàn khi các virus bị tiêu diệt hết trong cơ thể. Tuy nhiên, gần đây xu hướng sử dụng tinh chất tự nhiên cho thấy có hiệu quả cao trong các bệnh virus và an toàn hơn với sức khỏe người bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần