Vì sao Bộ NN&PTNT mới giải ngân được hơn 1/3 vốn đầu tư xây dựng sau 6 tháng năm 2021?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021, Bộ NN&PTNT thực hiện 116 dự án với tổng số vốn 11.031 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 7/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng của bộ này mới đạt 36,8%.

Trong số 116 dự án được phê duyệt vốn đầu tư xây dựng năm 2021, có 49 dự án thuộc lĩnh vực thuỷ lợi, đê kè (nguồn vốn trái phiếu Chính phủ); 52 dự án nông lâm thuỷ sản và viện, trường; 18 dự án sử dụng nguồn vốn ODA, còn lại là các dự án sử dụng vốn trong nước.
Đối với các dự án thuỷ lợi, đê kè, ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2021 đạt 2.346 tỷ đồng, bằng 40,1%. Nhiều dự án có vốn giải ngân đạt cao như: Hồ Cánh Tạng (UBND huyện Lạc Sơn, 68%); Tiêu úng vùng 3 Nông Cống (Ban 3, đạt 96%); Đồng Mít (Ban 7, đạt 61%)…
Mặc dù vậy, một số dự án sử dụng nguồn vốn lớn, nhưng tiến độ giải ngân chậm. Cá biệt có dự án đến nay chưa giải ngân như dự án xây dựng tuyến đê biển Bình Minh IV (Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình, 87 tỷ đồng).
Một dự án đầu tư xây dựng của Bộ NN&PTNT tại tỉnh Nghệ An.
Các dự án nông lâm thuỷ sản và viện, trường có tiến độ giải ngân thấp nhất. Ước giải ngân đến hết tháng 6/2021 đạt 27%, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (31%). Nguyên nhân chủ yếu theo Bộ NN&PTNT là do tiến độ giải ngân chậm của 3 dự án quy hoạch (Phòng chống thiên tai và thủy lợi; Lâm nghiệp; Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản), và 3 dự án cảng cá (dự án Gành Hào đạt 0,82%; Thọ Quang 3,3% và Tắc Cậu II 1,9%).
Giống như các dự án nông lâm thuỷ sản và viện, trường, tiến độ giải ngân chung của các dự án sử dụng vốn ODA cũng mới đạt khoảng 34%. Riêng một số dự án thuộc lĩnh vực thuỷ lợi, tiến độ giải ngân tốt hơn với tỷ lệ 63%. 
Tính chung các dự án, trong nửa đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân của Bộ NN&PTNT đạt 36,8%, cao hơn 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân cả năm đạt 100% vốn trong nước và 90% vốn đầu tư nước ngoài (ODA).
Theo đánh giá chung của Bộ NN&PTNT, hầu hết dự án đều đang thực hiện giải ngân theo đúng kế hoạch đề ra. Đây là cơ sở để hoàn thành đưa vào sử dụng từng dự án đúng tiến độ đã duyệt.
Dù vậy, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh: Hòa Bình, Đắk Lắk, Nghệ An đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Các chủ đầu tư, chủ dự án khắc phục khó khăn, đảm bảo giải ngân như đã cam kết với Bộ. Phấn đấu đến trước 30/9/2021 phải giải ngân đạt tối thiếu 60% từng dự án.
Bộ NN&PTNT cũng giao các tổng cục, cục, vụ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực hiện dự án theo chức năng nhiệm vụ được giao, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ. Sớm đưa các dự án vào khai thác, vận hành phát huy hiệu quả.