Vì sao cấm vẫn dạy trước chương trình lớp 1?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia giáo dục, không nên cho con học trước chương trình lớp 1 vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Ảnh: Chiến Công

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có "lệnh cấm" dạy chữ trước cho học sinh (HS) lớp 1 từ năm 2013, nhưng cứ đến trước hoặc cùng lắm là sau Tết Nguyên đán 1 - 2 tháng, nhiều bậc phụ huynh lại cuống cuồng tìm lớp học cho con với mục tiêu: Con phải biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1. Năm nay cũng vậy!

Vẫn chạy theo tâm lý “đám đông”

Để ngăn chặn việc dạy trước, dạy không đúng quy định, trước kỳ nghỉ hè, Sở GD&ĐT Hà Nội đã sớm có công văn yêu cầu các trường không tổ chức dạy trước chương trình của năm học mới, không dạy chữ trước cho HS lớp 1. Tuy nhiên, việc cấm cứ cấm, còn thực hiện hay không lại là chuyện khác.
Theo các chuyên gia giáo dục, không nên cho con học trước chương trình lớp 1 vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.      Ảnh: Chiến Công
Kinhtedothi - Theo các chuyên gia giáo dục, không nên cho con học trước chương trình lớp 1 vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Ảnh: Chiến Công
Bé Bông, con gái thứ 2 của anh Nguyễn Tiến Lợi (quận Thanh Xuân) đến tháng 9 này mới vào lớp 1, nhưng hiện tại đã đọc thông viết thạo, cộng trừ thuần thục trong phạm vi 10. Đây là thành quả của gần 7 tháng qua anh chị cho con đi học thêm tại nhà cô giáo. "Rút kinh nghiệm từ đứa đầu không cho đi học chữ trước, vào lớp 1 con không theo kịp các bạn, suốt ngày bị cô giáo phàn nàn, suốt năm lớp 1 lúc nào cháu cũng tự ti và tỏ thái độ chán học. Bây giờ gia đình nào cũng cho con đi học trước, con mình không học, vào đầu năm học sẽ không theo kịp các bạn" - anh Lợi chia sẻ.

Tương tự, cũng để cho con không thua kém bạn bè, gia đình chị Ngọc ở khu tập thể Trung Tự (quận Đống Đa) đã cho cậu con trai học chữ từ tháng 11 năm ngoái, đến nay con chị đã đọc nhanh, viết đẹp. "Tôi nghe anh trai có con hơn con trai tôi 1 tuổi kể, năm ngoái, anh không cho con học trước nên khi đi học chính thức, cháu đã không thể theo kịp với các bạn cùng lớp. Hầu hết các em khi vào lớp 1 đều đã đọc nhanh, biết làm Toán trong phạm vi 10. Do vậy, tôi cũng lo cháu không theo kịp các bạn, sợ con "tuột dốc" ngay năm đầu đi học nên cho cháu học từ trước Tết" - chị Ngọc tâm sự.

Không giống như chị Ngọc, anh Lợi, chị Vân là công chức của một cơ quan ở quận Tây Hồ chia sẻ, sau giờ làm việc, chị hay vào các diễn đàn online dành cho phụ huynh để tìm hiểu thông tin cũng như chia sẻ những suy nghĩ về việc chăm sóc, dạy dỗ con. Chị cũng đã tìm hiểu thông tin và lời khuyên của nhiều chuyên gia là không nên cho con học trước chương trình lớp 1. Tuy nhiên, nghe nhiều người nói rằng, cho trẻ học trước khi vào lớp 1 chỉ là chuyện nhỏ, điều quan trọng hơn là để phụ huynh làm quen với cô giáo dạy giỏi, rồi dần tạo lập mối quan hệ thân thiết để còn xin cho con vào trường, lớp của cô dạy giỏi, vào những trường điểm, lớp chọn khác. Vậy là không "chạy" trước chương trình, thì các bậc phụ huynh lại "chạy" thày, cô. 

Đừng bắt “trái chín ép”

Đua nhau học chữ từ 4 - 5 tuổi không phải là chuyện mới, nhưng cuộc đua này ngày càng quyết liệt, ngày càng có nhiều người tham gia. Thực trạng này khiến con trẻ, phụ huynh và giáo viên đều vất vả, áp lực dù chương trình được biên soạn cho trẻ lớp 1 không hề nặng nề. 

Cô Nguyễn Hồng Vân - giáo viên một trường mầm non ở quận Hoàn Kiếm cho biết, đã không ít lần phải can ngăn những phụ huynh có ý định tìm lớp cho con học chữ trước lớp 1. Học hết mầm non, giáo viên chỉ cần cho trẻ làm quen với bảng chữ cái, các con số thông qua các trò chơi nhận biết là đủ. "Con tôi cũng từng trải qua giai đoạn này nên tôi biết, nếu biết chữ trước, các con có thể vượt trội lúc ban đầu nhưng chỉ sau học kỳ I là tất cả sẽ giống nhau. Hơn nữa, nếu biết trước, con sẽ có tâm lý chủ quan, không chịu học, nền nếp ban đầu sẽ bị phá vỡ, thậm chí con sẽ đuối dần. Đến 6 tuổi, vùng phát triển ngôn ngữ của trẻ mới mở ra, nếu trẻ bị ép học trước cũng giống như trái cây bị chín ép. Độ tuổi dưới 5 là độ tuổi của các hoạt động vui chơi, giải trí. Đừng đánh mất tuổi thơ của trẻ" - cô Vân chia sẻ. 

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, trẻ học hết mầm non chỉ cần làm quen với chữ cái, con số, biết đọc từ trái sang phải, biết cầm bút đúng cách, tư thế ngồi học đúng cách là đủ. Thay bằng học chữ trước, phụ huynh cần trang bị cho con nhiều hơn về tâm lý, những kỹ năng độc lập, tự phục vụ mình, kỹ năng vận động, kỹ năng hòa nhập tập thể để sẵn sàng bước vào môi trường tiểu học.

Theo các chuyên gia giáo dục, để ngăn chặn tình trạng ép trẻ "chín non" này, phụ huynh phải có sự giác ngộ, tự trang bị kiến thức để hiểu con mình. Đặc biệt, ngành GD&ĐT phải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với trung tâm, nhóm lớp mở dạy thêm trái quy định. Nếu làm không nghiêm, "lệnh cấm" cứ cấm, việc dạy vẫn cứ diễn ra.