Vì sao cần xây dựng cầu Trần Hưng Đạo?

Vũ Khoa - Minh Tường/Giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Cầu Trần Hưng Đạo là một trong số 6 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống đã được Hà Nội xác định là hướng kết nối trọng điểm nhằm phát triển đô thị về phía Bắc sông Hồng. Ngoài ra, đây còn là một trong những giải pháp hỗ trợ tích cực cho việc giãn dân phố cổ khu vực quận Hoàn Kiếm.

Vị trí trọng yếu
Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho hay, Hà Nội đang trong giai đoạn tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông khung. Từ nay đến năm 2030, TP sẽ tập trung vào việc khép kín các vành đai, bổ sung kết nối các tuyến hướng tâm và đặc biệt là xây dựng thêm một số cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống.
Việc xây dựng 6 cây cầu: Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Trần Hưng Đạo, Đuống 2 và Giang Biên không chỉ nhằm khép kín và tạo sự liên kết các Vành đai 3; 3,5 và 4 mà còn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng. 6 cây cầu nêu trên không đứng đơn lẻ, chúng có tác dụng nối liền các trục vành đai, hướng tâm hoặc đường liên khu vực nên có vai trò rất quan trọng với giao thông của Hà Nội.
Phối cảnh phương án 3 của cầu Trần Hưng Đạo.
Để mở thêm hướng kết nối khu đô thị phía Bắc với trung tâm Hà Nội, mong thúc đẩy kế hoạch giãn dân cơ học khu vực phố cổ, TP đã lên kế hoạch xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và tiếp tục hoàn thành giai đoạn 2 cầu Vĩnh Tuy. Chuyên gia giao thông Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định: “Việc đầu tư một công trình vượt sông Hồng trong phạm vi 4 quận nội thành cũ như cầu Trần Hưng Đạo hết sức cần thiết và khả thi. Công trình này khi được hoàn thành sẽ mở thêm một lối lưu thông, kết nối thẳng vào trung tâm TP, giảm tải hiệu quả cho các cầu: Chương Dương, Long Biên và Vĩnh Tuy”.
Mặt khác, cầu Trần Hưng Đạo còn được kỳ vọng góp thêm một lời giải cho bài toán giãn dân khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm) hóc búa lâu nay. Theo các chuyên gia, giải pháp duy nhất để khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cũng như để bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ được xác định là giãn dân cơ học. Trong Dự thảo Đề án giãn dân phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã đề xuất sử dụng quỹ nhà tái định cư thuộc khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên).
Tuy nhiên, do cách xa nơi ở cũ đến 7km, việc đi lại, giao thương có thể gặp nhiều khó khăn, nên người dân phố cổ còn nhiều lo ngại, chưa tự nguyện di chuyển. Bên cạnh đó, khả năng lưu thông của cầu Chương Dương và Long Biên đã không còn đáp ứng được nhu cầu thực tế, ùn tắc giao thông (UTGT) xảy ra hàng ngày trong các giờ cao điểm. Cầu Vĩnh Tuy cách đó không xa cũng đang dần đuối sức trước áp lực giao thông lớn của cửa ngõ phía Bắc Thủ đô.
Kêu gọi đầu tư xã hội hoá
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Ngân sách hạn hẹp trong khi nhu cầu xây dựng quá lớn khiến tốc độ phát triển mạng lưới giao thông của TP trở nên khá chậm chạp so với sự gia tăng dân số, phương tiện giao thông, quá tải, ùn tắc giao thông xảy ra ở nhiều nơi, là áp lực không nhỏ đối với kinh tế - xã hội.
Hình ảnh cầu Trần Hưng Đạo mang dáng vẻ cổ kính, thơ mộng nối 2 bờ sông Hồng.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty CP Him Lam nghiên cứu, lập báo cáo tiền khả thi dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, trong đó bao gồm cả phương án kiến trúc. Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội khẳng định: “Hiện dự án mới đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. UBND TP mới giao cho Him Lam nghiên cứu, tất cả các vấn đề về vốn, thu phí… đều chỉ là dự kiến. Khi có phương án chính thức và Quyết định đầu tư sẽ công bố cho người dân được biết”.
Theo tìm hiểu, cầu Trần Hưng Đạo sẽ đi qua địa bàn các quận: Hoàn Kiếm (phường Phan Chu Trinh, Chương Dương Độ); Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng); và Long Biên (phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy), chiều dài toàn bộ tuyến khoảng 5,5km.
Điểm đầu Dự án là ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối dự án tại khu vực giao cắt với Quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh), thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên. Công trình được thiết kế với kết cấu cầu chính hệ dầm chủ dạng dầm hộp liên tục, bê tông cốt thép dự ứng lực. Mặt cắt rộng 31m, linh hoạt thay đổi phù hợp với quy mô từng đoạn. Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho Dự án vào khoảng 9.000 tỷ đồng.
Các vị trí cũ và hiện tại dọc theo tuyến đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: TEDI 
“Trong bối cảnh hiện nay, kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hoá là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất cho bài toán phát triển hạ tầng của Hà Nội. Đối với những công trình như cầu Trần Hưng Đạo, TP có thể và cần thiết phải kêu gọi các nhà đầu tư cùng chung tay thực hiện” - ông Phan Trường Thành nói.
Đại diện Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDDI) cho biết thêm, đơn vị đã xây dựng 3 phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo. Phương án được UBND TP Hà Nội thông qua có tên: Xứ Đông Dương, mang ý tưởng kết nối hiện tại và tương lai, kết nối địa danh lịch sử, các khu vực trung tâm nội đô lịch sử phía Nam với khu vực trung tâm phát triển phía Bắc sông Hồng. Phương án mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính của xứ sở đầy màu sắc, sinh động mà Hà Nội là thủ phủ - xứ Đông Dương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần