“Chắc không ai nói khác được rằng vì chất lượng dạy-học thấp”- GS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội nhận định tại "Hội thảo quốc gia Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ" do Trường ĐH Ngoại ngữ -ĐH Quốc gia Hà Nội và Đề án Ngoại ngữ 2020 phối hợp tổ chức ngày hôm nay (18/11).
Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet.
|
Lý giải cho con số 16%, GS Nguyễn Quốc Hùng đề cập đến chất lượng ở góc độ chuyên môn, không liên quan đến chính sách, tình hình xã hội, chiến lược phát triển, tổ chức đào tạo. Và cho rằng, quy trình đào tạo ngoại ngữ có 4 yếu tố quyết định chất lượng là môi trường học tập, chương trình giáo trình, học trò và người thầy.
Dưới đây là một số câu hỏi được phụ huynh đặt ra đã được GS Nguyễn Quốc Hùng trả lời trong hội thảo:
Tại sao con cái chúng tôi không nói tiếng Anh được, mặc dù chúng tôi đầu tư rất nhiều?
- Chúng ta không có môi trường phát triển tiếng Anh. Ngày nay trẻ được học 4 tiết/tuần và có thể đi học thêm 2 buổi vào thứ bảy và chủ nhật, nhưng cuối cùng vẫn chỉ 8 tiết/tuần, tức là 4 đến 5 giờ tiếng Anh. Trong khi đó trẻ có tới 84 giờ giao tiếp (mỗi ngày 12 giờ), tức là 4 giờ nói tiếng Anh và 80 giờ nói tiếng Việt cộng với môi trường Việt xung quanh.
Có phải tại giáo trình mà thày khó dạy, học sinh khó học?
- Giáo trình vô tội. Một quyển giáo trình tồi vào tay người thầy giỏi sẽ trở thành một công cụ hữu hiệu. Một giáo trình hay, vào tay người thầy kém không thể phát huy cái hay của nó.
Đứng ở góc độ đào tạo, sự lựa chọn giáo trình cho các khóa học cũng là yếu tố liên quan trực tiếp đến chất lượng. Khi mở một khóa học, việc đầu tiên chúng ta phải biết là người học cần gì và năng lực tiếp thu của họ. Ví dụ, một người lái xe, một người bán hàng đi học tiếng Anh thì họ cần gì? Họ chỉ cần năm mười mẫu câu là đủ. Nhưng nếu chúng ta đẩy họ vào các lớp có sẵn, dạy theo giáo trình bài bản dành cho SV như Headway, New English File, thì họ sẽ tiêu phí năng lực và tiền tài cho cái mà họ không cần, cho cái mà họ không thể tiêu hóa nổi. Do vậy không thể nói đến chất lượng.
Có phải vì HS lười mà chất lượng kém?
- Phải nói một cách công bằng, đại đa số HS không lười, cộng thêm sự quan tâm của phụ huynh.
Người thầy có đóng góp cho chất lượng kém không? Người thầy cần gì?
- Vấn đề này rất tế nhị. Trong mấy năm gần đây, chúng ta tiến hành nhiều cuộc khảo sát kiểm tra trình độ người thầy tiếng Anh và cuối cùng phần lớn đều đánh giá trình độ giáo viên thấp, và có lúc còn đưa ra con số 93% không đạt chuẩn. Điều này làm lòng tin vào các thầy cô tiếng Anh của xã hội bị sụt giảm trong bảng xếp hạng lòng tin. Giáo viên tiếng Anh cũng chỉ biết nói rằng “Các môn khác cũng thi như chúng tôi mà xem”.
Với những yếu điểm tôi nêu ra ở trên về giáo trình, học trò và người thầy đều là những nhân tố tạo ra chất lượng chưa được cao, tạo ra con số 16%. Tuy nhiên, tôi chỉ là người quan sát, miêu tả hiện tượng chứ không phân tích nguyên nhân đưa đến hiện tượng đó. Bởi nói đến nguyên nhân thì vô cùng phức tạp, đa dạng và nhiều chiều.