Mới đây, người dân địa phương tiếp tục phản ánh bày tỏ bức xúc khi UBND huyện đã có công văn chỉ đạo cưỡng chế, nhưng sau hơn nửa năm công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật. Chính quyền xã bất lực Người dân địa phương cho biết, UBND xã đã có một số lần họp bàn, đối thoại với người dân, tuy nhiên vụ việc vẫn không được giải quyết dứt điểm. Theo quan sát của phóng viên, những gì người dân phản ánh là có cơ sở. Hai công trình vi phạm của bà Nguyễn Thị Kim Phụng và ông Lê Văn Hữu (ở cổng làng thôn Cả) vẫn ngang nhiên tồn tại và đã có người ở.
Trước đó, vào tháng 6/2015, trao đổi với phóng viên về công trình nhà ở 1 tầng, đổ móng bê tông cốt thép, rộng khoảng 35m2 của gia đình bà Phụng, ông Nguyễn Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Đông Xuân thừa nhận, công trình này xây dựng trái phép trên đất công. UBND xã Đông Xuân đã ra 2 thông báo (ngày 14 và 15/11/2014) về việc ngừng thi công công trình vi phạm. Ông Chung khẳng định: “Quan điểm của xã là xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Trong tháng 7/2015 sẽ tiến hành cưỡng chế đối với công trình vi phạm của gia đình bà Phụng”. Còn đối với công trình xây dựng nhà 2 tầng kiên cố khoảng 90m2 của gia đình ông Hữu, lãnh đạo xã Đông Xuân cũng thừa nhận công trình này xây dựng trái phép trên đất hành lang đường 16. Đồng thời, trong văn bản của UBND xã Đông Xuân nêu rõ: “Tại vị trí đất mặt tiền đường 16, diện tích đất hành lang đường 16 nằm trong chỉ giới đất GPMB để cải tạo nâng cấp đường 16 là 60,6m2, gia đình ông Hữu đã nhận đủ số tiền bồi thường hỗ trợ của dự án lần 1 năm 2012 là 440 triệu đồng, lần 2 năm 2013 là 98 triệu đồng, tổng cộng nhận đủ tổng số tiền là 538 triệu đồng. Nhưng gia đình chưa GPMB trong thời gian đường 16 thi công cải tạo nâng cấp cho đến nay vẫn tồn tại”… Ngoài ra, cả hai trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nêu trên, UBND huyện Sóc Sơn đã có Công văn số 920/UBND-TTXD về việc xử lý vi phạm, và yêu cầu xử lý vi phạm của gia đình bà Phụng xong trước ngày 30/7/2015; của gia đình ông Hữu xong trước 30/8/2015... Né trách nhiệm? Ngày 14/4, phóng viên liên lạc với ông Nguyễn Văn Chung – Chủ tịch UBND xã Đông Xuân. Tuy nhiên, ông Chung cáo bận… họp, giao cho một cán bộ UBND xã trao đổi về kết quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Vị cán bộ này cho biết, UBND xã đã có kết luận nội dung tố cáo về trường hợp của gia đình bà Phụng và ông Hữu. Kết luận cho phép trường hợp 2 công trình này được tồn tại vì lý do: “… những công trình xét thấy chưa ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của công trình đường bộ và ATGT đường bộ…”. Tuy nhiên, dư luận cho rằng: Chính quyền xã Đông Xuân đã cố tình hợp thức hóa sai phạm, “biến” đất công xâm phạm thành đất thổ cư, chẳng khác nào “làm xiếc” với quy định của pháp luật. Trong một diễn biến khác, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đào Văn Sửu – Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn để làm rõ những sai phạm. Đề cập đến vai trò và trách nhiệm của lực lượng Thanh tra xây dựng trong vụ việc, ông Sửu vội vã từ chối cung cấp thông tin, hồ sơ: “Tôi không có quyền phát ngôn, các anh phải đặt lịch làm việc với huyện, Sở Xây dựng và có công văn yêu cầu, chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản”. Khi bị truy vấn về việc công văn của UBND huyện giao và chỉ đạo Đội Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn phối hợp các bên liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức cưỡng chế, vì sao nửa năm qua nhưng các công trình vi phạm vẫn hoàn thiện, đến nay người dân đã đến ở, ông Sửu chỉ im lặng (?)... Việc xử lý hành vi vi phạm của các cấp chính quyền huyện Sóc Sơn đến đâu? Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào? Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Công trình xây dựng nhà ở 2 tầng trái phép trên đất công của gia đình ông Lê Văn Hữu vẫn ngang nhiên tồn tại. Ảnh: Đạt Lê |