Xót xa “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”
Những ngày này, không khí tang thương bao trùm tại bến cảng Cửa Đại. Chuyến ca nô định mệnh đưa 36 hành khách cùng 3 thuyền viên tham quan đảo Cù Lao Chàm đã không thể trở về đất liền như dự kiến. Một cơn sóng to đã đánh lật úp chiếc ca nô khiến nhiều du khách rơi xuống biển tử vong và mất tích. Nhận được tin báo, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã tức tốc đến nơi ca nô gặp nạn và cứu được 22 người, tuy nhiên 17 nạn nhân đã tử vong. Càng xót xa hơn khi nạn nhân cuối cùng là một cháu bé 3 tuổi.
Ngóng nhìn ra phía biển, hai mắt chảy dài dòng lệ buồn, ông Ngô Văn Đẩn (trú TP Hà Nội) cho biết, gia đình ông có 14 người từ Hà Nội vào Hội An du lịch. Chuyến du lịch định mệnh đã cướp đi của ông 8 người thân.
“Trước khi đi, tất cả mọi người trong nhà ai nấy đều vui vẻ, chúng nó bảo là đi du lịch một chuyến cho khuây khỏa. Vé đi Hội An đã đặt trước gần 2 năm, nhưng vì dịch bệnh chưa đi được. Gần đây, cả nhà mới tranh thủ đi du lịch cùng nhau, mong muốn gắn kết gia đình. Còn tôi do tuổi cao, không đi nổi nên ở nhà”, ông Đẩn nấc nghẹn. Nhớ lại lúc nhận hung tin chiều 26/2, ông Đẩn ngã quỵ, không tin vào tai mình.
Hiểm nguy tiềm tàng từ thiết kế ca nô đóng kín
Có nhiều năm kinh nghiệm lái ca nô hơn 10 năm tuyến Cửa Đại – Cù Lao Chàm, ông Trung (người dân địa phương) cho hay, trước năm 2018, Hội An sử dụng ca nô loại 15 chỗ ngồi. Đặc điểm của loại ca nô nhỏ này là mui trần, có mái che nhưng không đóng kín nên khi xảy ra lật tất cả hành khách đều văng ra ngoài có áo phao nổi lên, dễ ứng cứu, cơ hội sống sót cao hơn.
Nhưng từ năm 2018 tới nay, cơ quan chức năng yêu cầu tàu du lịch khai thác khách ra vào Cù Lao Chàm phải là cấp tàu SB lớn hơn, có thể khai thác đến 40 khách. Đặc điểm của loại tàu này là được đóng kín bằng mái kiên cố và kính che xung quanh, chỉ có một lối ra vào phía trước.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, hiện có 43 doanh nghiệp vận tải đăng ký đang khai thác 130 ca nô du lịch vận chuyển khách từ cảng Cửa Đại đi đảo Cù Lao Chàm.
“Địa phương chỉ có nhiệm vụ bán vé tham quan đảo Cù Lao Chàm. Vấn đề rời bến là do Sở GTVT tỉnh cấp lệnh. Lực lượng biên phòng tỉnh có nhiệm vụ kiểm soát các tàu có ra cảng hay không và theo dõi tình hình thời tiết. Ngoài ra, chúng tôi còn quy định tất cả du khách khi xuống ca nô phải mang áo phao, nếu không ca nô sẽ không được xuất bến”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Trong khi đó, thảm nạn lật ca nô du lịch xảy ra chiều 26/2 là đi trên ca nô có thiết kế đóng kín bằng mái kiên cố, có kính che xung quanh nên các nạn nhân khó thoát ra được. Hôm xảy ra tai nạn, tất cả hành khách đều mặc áo phao, người nào nhảy ra ngoài đều thoát nạn, kể cả các cháu nhỏ. Những người tử vong là do mắc kẹt trong ca nô lật úp không kịp thoát ra.
Theo ông Sơn, sau vụ việc đau thương này, địa phương sẽ họp với các ngành chức năng, có các nhà chuyên môn kể cả có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp để xem xét cụ thể, mổ xẻ nguyên nhân. Từ đó có kiến nghị tính lại thiết kế ca nô du lịch sao cho đảm bảo an toàn tốt nhất.
Liên quan đến vấn đề có hay không ca nô, tàu đóng kín thì khách sẽ khó thoát nạn, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, quy chuẩn SB (tàu đóng kín) được cả thế giới và Việt Nam công nhận. Tàu quy chuẩn SB sẽ đảm bảo an toàn hơn cho hành khách.
“Hiện tại nguyên nhân vẫn đang chờ các cơ quan chức năng xác định. Phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng thì mới có ý kiến chính xác về việc này. Sau khi có kết quả điều tra sẽ tổ chức một hội nghị chung liên ngành nhằm đánh giá lại quy định pháp luật liên quan về vấn đề an toàn vận tải, vấn đề kết cấu hạ tầng và phương tiện để hoàn thiện những quy định đảm bảo giảm thiểu mọi nguy cơ rủi ro cho quá trình khai thác”, ông Khuất Việt Hùng thông tin.
Tổng rà soát toàn bộ phương tiện đường thủy
Có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, khắc phục hậu quả vụ chìm ca nô du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu các lực lượng chức năng cần phải điều tra, làm rõ nguyên nhân căn cốt. Các ngành chức năng cần phải tổng rà soát lại hết tất cả phương tiện đến bến cảng để đảm bảo an toàn.
Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm là tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Tất cả phương tiện đi lại trên tuyến này phải đảm bảo tiêu chuẩn do bộ ngành T.Ư quy định.
“Bấy lâu nay, đơn vị phối hợp với nhiều ban ngành luôn tăng cường kiểm tra, tuyên truyền cho người dân lẫn du khách khi ra vào tuyến thủy nội địa này. Tất cả đều chấp hành tốt. Tai nạn này xảy ra ngoài ý muốn, vì chuyện sông nước tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Văn Anh Tuấn nói.